NVL xuống dưới mệnh giá, ông Bùi Thành Nhơn nguy cơ mất kiểm soát Novaland

Một tuần trở lại đây, cổ phiếu NVL ghi nhận diễn biến tiêu cực khi để mất vùng đáy dài hạn, giảm về dưới mức 10.000 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) đóng cửa ở mức 9.490 đồng/cp, giảm 4,33% so với tham chiếu. Dưới góc độ kỹ thuật, mã này đang trong trạng thái tiêu cực khi “thủng” đáy tháng 3/2023 – mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Cổ phiếu NVL rơi xuống dưới mệnh giá
Cổ phiếu NVL rơi xuống dưới mệnh giá

Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu NVL diễn ra sau khi HĐQT của doanh nghiệp điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi cho lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD. Theo đó, từ ngày 5/1, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá 36.000 đồng một đơn vị - cao hơn 3,6 lần giá thị trường. Tỷ lệ chuyển đổi là 149.038 cổ phiếu cho một trái phiếu.

Bên cạnh đó, Novaland cũng lên phương án mua lại trái phiếu trước hạn toàn bộ 21 mã phát hành từ năm 2020, tương đương 7.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá và sẽ triển khai đến hết tháng 1.

Tài sản "bốc hơi"

Thị giá cổ phiếu NVL giảm xuống mức 9.490 đồng/cp, vốn hoá của Novaland hiện chỉ còn 18.526 tỷ đồng. Cùng với đó, giá trị tài sản của của Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn và nhóm cổ đông liên quan cũng "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III/2024, ông Bùi Thành Nhơn và nhóm cổ đông liên quan, bao gồm ông Bùi Cao Nhật Quân, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh, bà Cao Thị Ngọc Sương, Công ty CP Nova Group và Công ty CP Diamond Properties, nắm giữ 753,8 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 38,7% vốn doanh nghiệp. Tổng giá trị tài sản tương ứng rơi vào khoảng 7.154 tỷ đồng.

So với tháng 6/2022, khối tài sản này đã sụt giảm đáng kể. Cần biết, thời điểm đó, nhóm này nắm giữ hơn 1.186 triệu cổ phiếu NVL (tương đương 60,8% vốn).

Với giá đóng cửa ngày 30/6/2022 là 74.500 đồng/cp, tổng giá trị tài sản khi đó ước tính lên tới khoảng 88.358 tỷ đồng. Như vậy, trong hơn hai năm rưỡi, tổng tài sản của ông Bùi Thành Nhơn và nhóm cổ đông liên quan đã giảm 81.204 tỷ đồng.

Việc liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu khiến quyền lực của nhóm ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland bị đe doạ nghiêm trọng
Việc liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu khiến quyền lực của nhóm ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland bị đe doạ nghiêm trọng

Nhóm ông Bùi Thành Nhơn đứng trước lằn ranh đỏ?

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, Novaland đanh phải gánh khoản nợ lên tới gần 60.000 tỷ đồng. Ngoài hàng tồn kho, Novaland còn sử dụng một lượng đáng kể cổ phiếu NVL thuộc sở hữu của các cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn làm tài sản thế chấp.

Hiện tại, với việc cổ phiếu NVL giảm xuống dưới mệnh giá, các tổ chức tài chính có thể tiến hành bán giải chấp nếu Novaland không bổ sung thêm tài sản đảm bảo hoặc giảm dư nợ vay.

Khi bị bán giải chấp, giá cổ phiếu NVL có thể sẽ giảm sâu hơn, gây khó khăn cho khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, điều này cũng khiến quyền lực của nhóm ông Nhơn tại Novaland cũng có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 35% vốn điều lệ trở lên có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng trong công ty. Tuy nhiên, thông thường, họ sẽ luôn cố gắng duy trì tỷ lệ sở hữu vượt ngưỡng 35%, nhằm đảm bảo không có bất kỳ cổ đông hay nhóm cổ đông nào đạt mốc 65%, mốc cho phép quyền kiểm soát và quyết định chiến lược.

Như vậy, với tỷ lệ sở hữu đang ở mức 38,6%, nhóm ông Bùi Thành Nhơn đang ở khá sát “lằn ranh” này.

Với tỷ lệ sở hữu hiện tại ở mức 38,6%, nhóm ông Nhơn đang đứng khá gần "lằn ranh" này. Nếu tỷ lệ sở hữu giảm xuống đúng mức 35%, quyền kiểm soát có thể sẽ rơi vào tay các nhóm cổ đông khác. Trong tình huống xấu hơn, nếu tỷ lệ này tụt xuống dưới 35%, nhóm ông Nhơn không chỉ mất quyền phủ quyết mà còn có thể bị loại khỏi các quyết định quan trọng, đứng trước nguy cơ đánh mất hoàn toàn vai trò lãnh đạo tại Novaland.

Hoàng Anh

Theo VietnamFinance