Ocean Group (OGC) hạ quyết tâm xoá 2.500 tỷ đồng nợ khó đòi, vẫn lỗ luỹ kế hơn 2.600 tỷ đồng
Ocean Group vẫn còn khoản đầu tư trái phiếu giá trị gốc 141 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư xây dựng Sông Đà đến ngày đáo hạn từ năm 2014 đến nay chưa được thanh toán.
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – OGC) công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày 8/6/2022 vừa qua. Nội dung lấy ý kiến liên quan đến khoản nợ phải thu khó đòi của công ty.
Tài liệu ghi rõ, liên quan đến khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, các khoản nợ này đều liên quan đến các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi.
Đã từng xoá nợ, bán nợ nhiều năm nay
Văn bản cũng ghi rõ trong những năm trước công ty cũng đã có phương án xoá nợ, bán nợ và cho những kết quả nhất định như:
-Đối với việc giao và uỷ quyền cho HĐQT xem xét quyết định việc xoá nợ, bán các khoản nợ phải thu khó đòi đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm theo BCTC đã kiểm toán tại thời điểm năm 2019, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, trong đó các khoản nợ phải thu ngắn hạn đã lập dự phòng khoảng 2.158 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng khoảng 525 tỷ đồng.
Kết quả, công ty đã xóa một số khoản nợ cá nhân đang chấp hành các bản án của Cơ quan Nhà nước và thực hiện tìm kiếm các đối tác bán nợ nhưng không có hiệu quả, chỉ bán được 1 khoản nợ hỗ trợ vốn với giá trị thu hồi 10% trên nợ gốc 40 tỷ đồng. Cu8j thể:
-Tháng 7/2020 công ty đã xoá khoản nợ với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty, số tiền hơn 9,75 tỷ đồng; ông Hoàng Văn Tuyến, nguyên Kế toán trưởng công ty, với số tiền 19,5 tỷ đồng và xoá khoản nợ tài trợ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội với số tiền gần 7,7 tỷ đồng.
Vẫn tiếp tục hành trình bán nợ, xoá nợ
Tiếp đó công ty đã thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ khó đòi với giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỷ đồng nhưng không có đối tác mua.
Nhận thấy các khoản nợ phải thu khó đòi này đã kéo dài nhiều năm, đã được trích lâoj dự phòng 100% từ khi phát sinh. Do vậy OGC đề xuất Đại hội cổ đông thông qua các phương án thực hiện với các nội dung:
-Điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trên BCTC năm cho năm tài chính 2021 kết thúc ngày 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% với số tiền hơn 2.553 tỷ đồng bao gồm:
1. Phải thu ngắn hạn của khách hàng: gần 82 tỷ đồng
2. Phải thu ngắn hạn khác: gần 869 tỷ đồng
3. Trả trước cho người bán ngắn hạn: hơn 168 tỷ đồng
4. Tài sản thiếu chờ xử lý: hơn 3,5 tỷ đồng
5. Trả trước cho người bán dài hạn: gần 277 tỷ đồng
Việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu trên đây và ghi nhận giảm các khoản "dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi" và "dự phòng phải thu dài hạn khó đòi" tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2021. Do các khoản phải thu đã lập dự phòng 100% nên tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ không bị ảnh hưởng.
Và việc các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính không ảnh hưởng đến việc thực hiện thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty đối với các khoản công nợ này.
HĐQT công ty trình ĐHĐCĐ giao và ủy quyền cho HĐQT căn cứ trên tình hình thực tế các khoản công nợ khó đòi trên để điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm và các năm tiếp theo làm cơ sở lập và trình bày báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
Đồng thời, giao cho HĐQT và người đại diện phần vốn của công ty tại các đơn vị thành viên xem xét, phê duyệt việc điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng các khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng.
Xoá nợ số tiền bằng 80% tổng tài sản
Hiện tại Tập đoàn Đại Dương chưa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Còn số liệu trên BCTC quý 4/2021 và quý 1/2022 do công ty tự lập ghi nhận tổng giá trị tài sản của OGC đến 31/3/2022 đạt 3.055 tỷ đồng, giảm khoảng 70 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Nếu được ĐHĐCĐ thống nhất thông qua việc đưa ra theo dõi ngoại bảng số nợ quá hạn 2.553 tỷ đồng như trình bày, tương ứng việc công ty “xoá nợ” số tiền 2.553 tỷ đồng này. Con số nợ xoá đi này nếu so với tổng tài sản của OGC tính đến 31/3/2022 thì bằng khoảng 83%.
Những số liệu đáng chú ý thể hiện trên BCTC
Hiện tại OGC chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Tuy nhiên với những khoản nợ qúa hạn này, thông tin trên các BCTC kiểm toán trước đó đều có ghi nhận.
BCTC kiểm toán năm 2021 của OGC trình bày các khoản phải thu khác, trong số đó, có khoản phải thu ngắn hạn với CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà gần 673 tỷ đồng - là khoản đặt cọc 313,3 tỷ đồng của công ty con CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long để thi công toà nhà Dự án chung cư cao cấp Strarcity Center ; khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn không có tài sản đảm bảo lần lượt 56 tỷ đồng và 130 tỷ đồng đến hạn thanh toán vào 30/11/2014.
Ngoài ra còn có khoản đầu tư mua trái phiếu CTCP Đầu tư và xây dựng Sông Đà với tiền gốc 141 tỷ đồng và tiền lãi tính đến ngày đáo hạn 18/12/2021 là 32,4 tỷ đồng. Số trái phiếu này đã quá ngày đáo hạn từ cuối năm 2014 nhưng đến thời điểm lập BCTC kiểm toán năm 2020 thì đơn vị này vần chưa thanh toán lãi và gốc cho công ty. Tất cả khoản này OGC đã thực hiện trích lập dự phòng 100%.
Vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 2.600 tỷ đồng
BCTC quý 1/2022 cho biết sau 3 quý kinh doanh khởi sắc, báo lãi là các quý 2,3,4 của năm 2021, thì quý 1/2022 vừa qua OGC tiếp tục lỗ hơn 38 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế đến 31/3/2022 lên 2.670 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 1.092 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 3.000 tỷ đồng.
Về “của để dành”, OGC vẫn còn gần 111 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, hơn 14 tỷ đồng trong quỹ khác thuộc chủ sở hữu và hơn 6 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu.