Ông chủ siêu DN 128.000 tỷ bán tạp hóa; ái nữ nhà Tân Hiệp Phát liên tục thoái vốn
Ông chủ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng bán tạp hóa; đại gia Thanh Hóa có tài sản lọt top giàu thị trường... là tin tức nổi bật trong tuần.
Ông chủ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ bán tạp hóa
Sau vụ doanh nghiệp vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, tuần qua, dư luận lại được dịp xôn xao trước thông tin về một "siêu doanh nghiệp" vốn 128.000 tỷ đồng.
Theo số liệu được Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội gửi Cổng thông tin đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT: "Siêu doanh nghiệp" gần 128.000 tỷ đồng ban đầu (tháng 11/2018) chỉ là doanh nghiệp 132 tỷ đồng do 5 cá nhân sáng lập là ông Bùi Văn Việt (nắm 18% vốn điều lệ), bà Phạm Thị Thành (nắm 36% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hậu (nắm 18% vốn điều lệ), ông Đỗ Công Đảng (nắm 18% vốn điều lệ) và ông Trần Đức Thủy (nắm 10% vốn điều lệ).
Tháng 6/2019, công ty này tăng vốn điều lệ lên 127.900 tỷ đồng. Trong đó, số vốn góp rất lớn của Việt kiều Mỹ là ông David Aristole Phan với 51.160 tỷ đồng (2,2 tỷ USD), chiếm 40% tổng vốn điều lệ (thời điểm tháng 6/2019).
Nếu trừ đi vốn góp của Việt kiều Mỹ 2,2 tỷ USD và 132 tỷ đồng vốn góp năm 2018, để đủ số vốn 127.900 tỷ đồng, 5 thành viên sáng lập phải góp thêm số vốn vào thời điểm tháng 6/2019 là hơn 75.700 tỷ đồng (gần 3,3 tỷ USD).
Nếu chia trung bình cho 5 người nói trên, số vốn đóng góp của họ sẽ là 15.100 tỷ đồng/người (tương đương 658 triệu USD). Tài sản này có thể được coi là triệu phú tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi trên báo chí về ông Bùi Văn Việt - người được cho là ông chủ của "siêu doanh nghiệp", một lãnh đạo Công an xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết: Hiện gia đình ông Việt đang ở trong thôn Yên Trường, ông này là người kinh doanh tạp hóa bình thường, vì thế thông tin ông góp vốn hàng chục đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Hà Nội là chuyện hết sức bất ngờ.
"Ông này là người bình thường, có phải đại gia, doanh nhân gì đâu. Nếu có chính quyền biết ngay, ông này hiện chỉ ở nhà, xe ô tô không có", đại diện Công an xã Trường Yên nói.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Trần Đức Thủy (sinh 1982) - cổ đông của "siêu doanh nghiệp" - cho biết đã hoàn thành góp hơn 13 tỷ đồng vào công ty. Tuy nhiên, khi được hỏi tháng 6/2019 góp bao nhiêu vốn vào "siêu doanh nghiệp" thì cá nhân này chỉ nói "góp chút ít".
Một điều lạ là ông Thủy dù đóng hàng chục tỷ đồng vào doanh nghiệp này nhưng cũng không quan tâm, tham gia sâu vào hoạt động hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phó thác cho hai cổ đông lớn khác.
Ngày 20/8, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, "siêu doanh nghiệp" này dù ra đời, tồn tại đến nay gần 4 năm nhưng không phát sinh doanh thu, không nộp thuế VAT, không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế và chỉ đóng thuế môn bài theo quy định (3 triệu đồng/năm).
Hiện tượng đáng chú ý nhất thị trường
Chào sàn UPCoM ngày 4/8, cổ phiếu SSH của Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes trở thành hiện tượng đáng chú ý của thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày vừa qua.
Tính đến hết ngày 18/8, SSH đã trải qua 11 phiên giao dịch, trong đó có tới 10 phiên tăng trần liên tiếp. Lưu ý rằng, SSH giao dịch trên sàn UPCoM, do đó, biên độ tăng trần của mã này lên tới gần 15%.
Như vậy, tổng mức tăng giá trong 11 phiên giao dịch đầu tiên của SSH đã lên tới 421,76% (tăng hơn 5,2 lần).
Mức giá tham chiếu lúc mới chào sàn của SSH là 21.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đóng cửa phiên 18/8, thị giá của SSH đã là 112.700 đồng. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Sunshine Homes đạt 28.175 tỷ đồng và nằm trong những doanh nghiệp có vốn hóa "tỷ đô" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Yeah1 lỗ đậm, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát liên tục thoái vốn
Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần đạt 312 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến Công ty lỗ gộp đến 49 tỷ đồng. Khấu trừ tất cả các chi phí, Công ty lỗ ròng đến 156 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ chỉ 3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân theo YEG do mảng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở mảng thương mại đa kênh (bán lẻ), trước ảnh hưởng nặng nề của hai đợt dịch trong nửa đầu năm 2021. Trong quý đầu năm, YEG cũng lỗ nặng 52,5 tỷ đồng, do áp lực chi phí trong cuộc chơi mở rộng hệ sinh thái truyền thông.
Trước thềm công bố BCTC quý 2, bà Trần Uyên Phương - ái nữ nhà Tân Hiệp Phát - tiếp tục bán ra 1,36 triệu cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1.
Hiện, bà Phương đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 xuống còn 14,5% vốn, tương đương 4,56 triệu cổ phiếu. Bà Phương từng chi 50.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn tại YEG, song hiện thị giá Công ty trên thị trường đã "bay hơi" 70% xuống mức 15.000 đồng/cp.