Ồn ào 8X góp vốn 500.000 tỷ, 'vua hàng hiệu' muốn 'bay'

Xin thành lập công ty với vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ gây sốc; đại gia hàng không báo lãi; xin lập hãng bay

500.000 tỷ còn khiêm tốn

Một giám đốc 35 tuổi đang gây ồn ào dư luận bởi quyết định thành lập tới 4 công ty, tổng giá trị vốn góp lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Ồn ào 8X góp vốn 500.000 tỷ, 'vua hàng hiệu' muốn 'bay' - Ảnh 1
Ông chủ trẻ bên căn nhà cấp 4 đang ở. Ảnh: Zing

Đó là trường hợp Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) đăng ký thành lập  Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng. Trong đó, Quốc Anh góp vốn 499.998 tỷ đồng, và là tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Auto Investment Group. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy  tính.

Đáng chú ý, ông Quốc Anh còn là CEO của 4 công ty khác cũng vừa đăng ký thành lập trong tháng 4 và tháng 5/2021. Tổng vốn điều lệ của các công ty này đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng.

Trước sự quan tâm của dư luận, Quốc Anh khẳng định mức vốn này chưa là gì; còn khiêm tốn và hứa sẽ góp đủ trong 90 ngày.

Đáng chú ý, giữa lúc vừa tuyên bố góp vốn khủng, báo chí cũng tìm hiểu và được biết Quốc Anh hiện đang sống và làm việc tại căn nhà cấp bốn không mấy giàu có gì. Đã có ý kiến cho rằng ông chủ này đang mắc chứng bệnh hoang tưởng, còn phía LS thì nghi ngờ có sự bất thường, khó khả thi đồng thời cũng đưa ra những khuyến cáo, phải cảnh giác trước những mục đích là "lấy tiếng", "ra oai", nhưng không loại trừ một số doanh nghiệp có động cơ vụ lợi hoặc là lừa đảo, nhằm tạo niềm tin cho các đối tác trong các giao dịch phi pháp của họ.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn lập hãng bay

Giữa bối cảnh ngành hàng không đang điêu đứng vì dịch bệnh, công ty của ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có động thái xin thành lập hãng bay.

Theo đó, hãng bay chuyên vận tải hàng hoá, với đầu tư 2.400 tỷ đồng (100 triệu USD), dự kiến cất cánh từ năm sau.

Trong tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng có 30% là vốn chủ sở hữu thuộc công ty của ông Hạnh Nguyễn, còn 70% từ các cổ đông khác.

Động thái của vị đại gia đang được đánh giá cao, bởi theo đánh giá nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không nội địa, cũng như quốc tế ngày càng tăng cao. Hiện tại, Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hoá.

VNA bán máy bay, tính toán của Bamboo

Một điều bất ngờ khác cũng đến từ lĩnh vực hàng không, đó là khoản lãi đến từ hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết.

Ngay từ năm đầu tiên hoạt động (2019), hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết đã báo lãi. Năm 2020, dù hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, Bamboo Airways tiếp tục báo lợi nhuận. 

Dù có doanh thu thuần hơn 4.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với Vietnam Airlines hay Vietjet Air, song hãng này vẫn lãi sau thuế 310 tỷ đồng nhờ khoản doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính không được thuyết minh cụ thể.

Bước sang năm 2021, ngành hàng không vẫn phải đối diện với những khó khăn từ dịch bệnh, Vietnam Airlines vừa công bố thông tin muốn bán đấu giá 11 máy bay Airbus A321 CEO vì khó khăn thì Bamboo lại tiếp tục có động thái mới.

Bamboo Airways vẫn đang tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở rộng đội máy bay trong năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, hãng này liên tục đón thêm 3 máy bay mới (gồm 2 chiếc A321NEO, A320NEO vừa xuất xưởng và một máy bay phản lực Embraer) và cũng không giấu tham vọng sẽ xem xét mua lại máy bay nếu Vietnam Airlines bán.

Một điểm liên quan khác, Bamboo dù là hãng hàng không liên tục báo lại giữa dịch bệnh nhưng cũng là một trong số nhiều doanh nghiệp vẫn liên tục xin được hỗ trợ vay vốn cùng nhiều chính sách ưu đãi khác từ Chính phủ.

An An

Theo Đất Việt