Siêu DN 500.000 tỷ: Vốn ảo, sai lệch số liệu thống kê
Cơ quan thống kê vẫn thống kê đầy đủ số liệu về thành lập doanh nghiệp nhưng cần lưu ý về doanh nghiệp vốn khủng để không ảo tưởng số liệu đẹp.
Tại dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5 đạt 11.603 doanh nghiệp, tăng 8,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020 với số vốn đăng ký là 675.606 tỷ đồng, tăng 499,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân số liệu về vốn đăng ký tháng 5/2021 tăng đột biến, theo Bộ KH-ĐT, là do có 2 doanh nghiệp tại TP.HCM đăng ký thành lập mới vào ngày 20/5/2021 với số vốn đăng ký lần lượt là 25.000 tỷ đồng (Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động toàn cầu) và 500.000 tỷ đồng (Công ty CP Tập đoàn Đầu tư công nghệ tự động toàn cầu). Hai công ty này có chung 1 đại diện pháp luật.
Trước đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, CEO của "siêu doanh nghiệp" 500.000 tỷ livestream cho biết, bản thân không có tiền, đi xe máy, ở nhà cấp 4.
Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đây không phải là lần đầu tiên có doanh nghiệp được đăng ký thành lập với số vốn khủng như vậy.
Vào năm 2020, cũng có một doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC gây xôn xao dư luận. Sau đó, các cá nhân góp vốn cho hay đã "đăng ký nhầm" vốn điều lệ và thực tế, nữ cổ đông chính của doanh nghiệp này làm nghề bán nước lọc đóng chai tại nhà.
Chưa vội bàn đến mục đích của các cá nhân khi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới với số vốn "trên trời", LS Trương Xuân Tám cho hay, việc đăng ký vốn ảo khiến số liệu thống kê của cơ quan quản lý bị sai lệch.
Theo vị luật sư, pháp luật không cấm việc đăng ký số vốn điều lệ và điều này cho thấy các cơ quan quản lý tạo điều kiện, môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với đó phải tăng cường hậu kiểm và nâng mức xử phạt trong vi phạm đăng ký kinh doanh.
Theo quy định hiện nay, hết thời gian luật định (90 ngày) mà doanh nghiệp không góp đủ vốn và không khai báo giảm số vốn điều lệ thực góp thì bị phạt 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo LS Tám, mức phạt này là chưa thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe.
"Nhìn vào số vốn đăng ký khủng này, ai cũng biết là "cuội", là ảo, vấn đề là nó đã làm méo mó bức tranh thống kê về đầu tư. Nhìn vào đó, ai cũng tưởng bức tranh đầu tư thuận lợi quá, nhiều người đăng ký, lại là đăng ký số vốn cực lớn. Rõ ràng, đây là một kẽ hở gây ảo số liệu thống kê", Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói.
Lưu ý những trường hợp như trên chưa phải là vốn thực hiện, LS Trương Xuân Tám cho rằng, Sở KH-ĐT có thể thông báo cho các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương để có biện pháp làm rõ.
Đối với cơ quan thống kê, họ không thể nào loại bỏ đi số liệu về doanh nghiệp này, mà vẫn thống kê đầy đủ thông tin về thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan thống kê cần lưu ý, số liệu đột biến này là do một doanh nghiệp đăng ký vốn, cơ quan đang xem xét, giám sát trường hợp này. Trường hợp không tính doanh nghiệp "khủng" đó thì số liệu là bao nhiêu để tránh ảo tưởng vào con số đẹp, đồng thời qua đó cũng để biết số liệu thật về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp và tình hình cụ thể của nền kinh tế.
Thực tế, điều này cũng đã được các cơ quan chức năng thực hiện. Như trường hợp siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ và 25.000 tỷ đăng ký thành lập trong tháng 5/2021, Bộ KH-ĐT đã lưu ý trường hợp không tính 2 doanh nghiệp nêu trên thì vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2021 của cả nước là 150.606 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2020, vốn đăng ký bình quân đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2020.
Tương tự, trước đó, trước sự bất thường của doanh nghiệp có vốn đăng ký tới 144 nghìn tỷ đồng, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020, cơ quan thống kê vẫn thống kê đầy đủ các thông tin về thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan thống kê cũng lưu ý, nếu không tính doanh nghiệp "khủng" USC Interco, tổng số vốn đăng ký thành lập mới trong tháng 1/2020 chỉ có 123.200 tỷ đồng.
"Bây giờ, trên mạng đăng thông tin sai còn bị phạt, đằng này đăng ký vốn ảo làm cho bức tranh thống kê bị sai lệch. Cho nên, đối với những tường hợp đăng ký vốn khống lên như vậy cần có mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh nặng hơn để răn đe.
Các trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập khác 90 ngày có thể chưa có ai hỏi đến, nhưng đối với những trường hợp đưa ra vốn đăng ký vống lên rất cao thì cần theo dõi luôn để xem họ có thực hiện hay không, từ đó tiến hành xử phạt ngay", LS Trương Xuân Tám nói.