'Ông Trịnh Văn Quyết cùng lúc mắc nhiều bệnh, nguy cơ tử vong cao'
Theo hội đồng xét xử, bệnh viện xác nhận ông Trịnh Văn Quyết cùng lúc mắc nhiều bệnh, phải thở máy và nguy cơ tử vong cao nên không thể ra tòa.
Ngày 25/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết bị cáo Quyết vắng mặt và có đơn xin hoãn xét xử, 25 bị cáo khác (trong tổng số 50 bị cáo) có kháng cáo và được tòa án triệu tập.
Theo thông báo của hội đồng xét xử, Bệnh viện 19-8 có xác nhận ông Trịnh Văn Quyết đang điều trị bệnh lao ác tính, viêm dạ dày, suy thận cấp.
Cũng theo thông báo từ chủ tọa, bệnh viện xác nhận ông Quyết cùng lúc mắc nhiều bệnh, phải thở máy, thở oxi và nguy cơ tử vong cao. Do tình hình sức khỏe yếu nên ông Trịnh Văn Quyết không thể ra tòa.

Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Trịnh Văn Quyết cũng từng có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe tại phiên xét xử phúc thẩm.
Tháng 8/2024, ông Trịnh Văn Quyết đã bị tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.
Bản án xác định ông Quyết cùng đồng phạm đã thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch FLC còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng FLC Faros, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE, sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc ông Quyết và em gái bồi thường hơn 1.700 tỷ đồng cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS, đồng thời yêu cầu ông Quyết phải truy nộp hơn 680 tỷ đồng, khoản tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng chứng khoán.
Theo thông tin từ các luật sư vào hôm qua (24/3), gia đình ông Trịnh Văn Quyết đã tiếp tục nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả. Cụ thể, ngoài trách nhiệm hình sự, Tòa án đã tuyên buộc ông Quyết và em gái, bà Trịnh Thị Minh Huế, phải liên đới bồi thường hơn 1.700 tỷ đồng cho các nhà đầu tư bị thiệt hại.
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã nộp hơn 254 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Sau đó, vợ ông Quyết đã tiếp tục nộp thêm 203 tỷ đồng. Đến ngày 19/12/2024, bà đã tiếp tục chuyển thêm 150 tỷ đồng. Tổng số tiền mà gia đình ông Quyết đã nộp tính đến nay đã lên tới hơn 600 tỷ đồng. Trước phiên tòa phúc thẩm, người thân của bà Trịnh Thị Minh Huế đã tiếp tục nộp thêm tiền, nâng tổng số tiền gia đình ông Quyết đã khắc phục lên 800 tỷ đồng.
Các luật sư cho biết thêm trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, các bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả cho 133 bị hại, những người vẫn giữ cổ phiếu FLC từ trước. Hai em gái của ông Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế và bà Trịnh Thị Thúy Nga, đã nộp đủ tiền để khắc phục hậu quả và vượt quá phần trách nhiệm dân sự mà bản án sơ thẩm tuyên.
Riêng ông Quyết, trong đợt này, đã nộp thêm 50 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.