Ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ “nuôi” kế hoạch mang nghìn tỷ đô la về cho Việt Nam
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn được nhiều người nhớ đến với những chiến lược kinh doanh xuất sắc làm nên tên tuổi của hãng cà phê đình đám Trung Nguyên. Thậm chí, ý tưởng của ông như mang về 1.000 tỷ đô la cho Việt Nam khiến ai cũng phải xôn xao.
Vừa qua, vào hồi tháng 6 trong một cuộc phỏng vấn vị doanh nhân nổi tiếng này đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh cuộc sống, công việc. Ông vua cà phê nói về loại cà phê thức tỉnh, về dàn siêu xe 500 chiếc, và ngay cả việc điều hành công ty với kế hoạch 1000 tỷ đô la mang về cho Việt Nam khi đã lui về ở ẩn trong hang đá.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ lý do khiến ông mua nhiều siêu xe là vì chúng có thể đem đi đấu giá trong tương lai giúp người trẻ Việt Nam có tiền khởi nghiệp. Ông Vũ nói: “Đối với Qua tiền bạc thiếu gì, tới đây còn nhiều nữa. Kế hoạch của Qua là phải tối thiểu lấy về 1.000 tỷ đô la cho Việt Nam. 1.000 tỷ đô la, mỗi năm"!
Con số 1.000 tỷ đô la trong một thế giới bất toàn, xung đột và khó khăn khiến nhiều người bất ngờ. Khi được hỏi liệu điều này có hoang tưởng không, ông Vũ tự tin trả lời: "Thì phải có cái gì Qua mới nói vậy chứ. 1.000 tỷ đô la/210 quốc gia. Mỗi quốc gia Qua kiếm 5 tỷ đô la. Vậy 1.000 tỷ là tối thiểu rồi, có gì đâu mà khó!".
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn có những ý tưởng kinh doanh táo bạo. |
Trong quá trình trò chuyện ông Vũ cũng tiết lộ cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend khai trương tại Thượng Hải hồi năm ngoái cũng đã có lời dù số tiền bỏ ra đầu tư nhiều. Ông cũng tiết lộ, Trung Nguyên sẽ vươn xa hơn khi chuẩn bị mở các chi nhánh tại Mỹ, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á và ở cả Dubai.
Ông Vũ còn khẳng định, sẽ mở một chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên trên thế giới chứ không dừng lại ở Thượng Hải. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng ông Vũ vẫn đặt vấn đề chuẩn hóa cả về triết lý cho những cửa hàng của mình chứ không chỉ chuẩn hóa về mặt kỹ thuật thông thường mọi người vẫn thấy. Đây mới là cái khó khiến ông và đội ngũ phải nghiên cứu công phu, tính toán kỹ lưỡng.
Trong lĩnh vực cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tự tin khẳng định, không nghĩ đến chuyện có đối thủ vì hiện nay trên thị trường Trung Nguyên đang là duy nhất. Đây là điều hiển nhiên khi thương hiệu này đã được lĩnh hội và kết tinh từ ba nền văn minh cà phê từ Ý, Ottoman - Roman và phương Đông.
Để xây dựng lên một đế chế cà phê như hiện nay ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có những bước khởi đầu đầy khó khăn. Lúc đầu khi ông kể cho bạn bè nghe về ý tưởng xây dựng đế chế cà phê của mình ai cũng hoài nghi. Ông Vũ khởi nghiệp cùng 3 người bạn học với phương tiện di chuyển chính là chiếc xe đạp cà tàng.
Ông đã đến từng đại lý để thu mua cà phê bắt đầu sự nghiệp và ý tưởng lớn của mình. Ông luôn suy nghĩ và nung nấu trong đầu câu hỏi: Tại sao là Việt Nam, tại sao chủ yếu là Buôn Ma Thuột, nơi có hạt cà phê vào loại ngon nhất thế giới, xuất khẩu cà phê cũng vào hàng đầu thế giới nhưng giá trị thu về vẫn thấp, nông dân vẫn nghèo?
Chính cách nghĩ khác đã giúp ông Vũ thay đổi sự nghiệp và ảnh hưởng đến ngành cà phê Việt Nam như hiện nay. Cách đây 18 năm mọi người cho rằng suy nghĩ của ông Vũ là khùng, là mơ mộng hoang đường chứ đừng nói đến việc phát triển mạnh và vươn tầm quốc tế như cách mà ông Vũ đang làm ở hiện tại.
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã vươn tầm quốc tế một cách xuất sắc. |
Hay ngay cả cái tên của hãng cà phê này cũng được ông Đặng Lê Nguyên Vũ đặt khá ngông cuồng đó là “Hãng cà phê Trung Nguyên”, trong tiếng Việt chỉ những thương hiệu lớn, kinh doanh rộng mở thì mới gọi là hãng chứ không phải căn nhà nhỏ và chiếc máy rang xay cà phê cũ công suất thấp như của ông Vũ vận dụng khi đó.
Trái với những lời bàn tán chỉ trong một thời gian ngắn thương hiệu cà phê Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã vượt ra khỏi ranh giới của Đắk Lắk. Năm 1998, cuộc đổ bộ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã vươn rộng ra khắp nơi đặc biệt là Sài Gòn.
Thời điểm đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tự tạo ra cách thức để khách hàng có thể biến mình trở thành người sành điệu về cà phê, tạo hình ảnh cá nhân qua sự lựa chọn khác nhau trong từng hương vị cà phê mà mỗi người dùng sẽ phải nhớ mãi không quên. Thậm chí, những người thử cà phê của ông xong đều bị nghiện và phải quay lại để thử thêm một lần.
Năm 2003, sản phẩm cà phê G7 ra đời đã chính thức đánh dấu bước phát triển mới của Trung Nguyên trên thị trường Việt Nam khi lần đầu vượt qua các thương hiệu như Vinacafé và Nestlé về thị phần. Nối tiếp những thành công đó, Trung Nguyên đã xây dựng hàng loạt nhà máy cà phê lớn nhất ở Bình Dương còn nhà máy tại Bắc Giang lớn nhất Châu Á.
Danh mục cà phê của Trung Nguyên đầy đủ những mặt hàng hot và những mặt hàng mang thương hiệu cá nhân. Không chỉ xây dựng nhà máy chế biến, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn xây dựng hẳn một Làng cà phê Trung Nguyên rộng 20.000 m2; Bảo tàng cà phê tại Buôn Mê Thuột nhằm biến nơi đây thành thủ phủ cà phê toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nuôi ước mơ vươn tầm thế giới và từng bước hiện thực hóa nó khi đến thời điểm hiện tại cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại 60 quốc gia trên toàn thế giới với những chiến lược cực kỳ hữu ích ghi dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế.
Bỏ qua những ồn ào về đời tư sau cuộc hôn nhân với vợ cũ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn luôn có những ý tưởng táo bạo và làm những việc không ai làm được. Danh hiệu vua cà phê Trung Nguyên sinh ra để dành cho ông và chắc chắn thương hiệu này sẽ không chỉ dừng lại ở đây./.