PGS. TS Trần Đình Thiên: Điều hành thị trường xăng dầu ‘đừng đổ lỗi mà hãy tìm cách’

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Chính phủ giao điều hành thị trường xăng dầu cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thì đáng lẽ phải làm tốt nhưng để như vừa qua cho thấy cơ chế có vấn đề, đừng cố gắng đổ lỗi mà phải tìm cách vượt qua.

“Cơ chế quản lý đang có vấn đề”

Tại Tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã tiếp tục phàn nàn về việc họ bị thua lỗ trong một thời gian dài. Cùng với đó, họ cũng kiến nghị các cơ quan làm chính sách quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ; cho doanh nghiệp được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính...

Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Chính phủ giao điều hành thị trường xăng dầu cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đáng lẽ phải làm tốt nhưng để như vừa qua thì thấy cơ chế có vấn đề, đừng cố gắng đổ lỗi mà phải tìm cách vượt qua.

“Các bộ phải xem đây là cơ hội tốt, đừng cố gắng đổ lỗi mà phải tìm cách vượt qua nó thế nào. Bên nọ đổ cho bên kia thì doanh nghiệp đã yếu sẽ càng yếu hơn”, ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, điểm mấu chốt của điều tiết thị trường xăng dầu là giá phải gắn với tự do cạnh tranh, nhưng thực tế thì nhiều quy định đang làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp lại.

Ông Thiên cho rằng, Chính phủ hoàn toàn có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế, có thể giảm thuế để giảm giá, can thiệp ngắn hạn. Nếu có các cú sốc lớn, có thể dùng quỹ dự trữ xăng dầu, không phải dùng tiền, bảo đảm nền kinh tế không bị sụp đổ. Đây là cách can thiệp giá và nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải kiểm điểm rõ ràng về nguồn cung xăng dầu trong nước khi hai nhà máy sản xuất trong nước đã cung ứng 70% nhu cầu nội địa.

Từ những phân tích trên, ông Thiên nhắc đích danh ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cũng là khách mời cùng dự tọa đàm này, và đề nghị phải có rà soát lại. Điều kiện thực tế hiện nay không đủ cho doanh nghiệp hoạt động. Để loại bỏ những quy định nhà nước đang làm hạn chế thị trường xăng dầu, đây là cơ hội tốt thay đổi hệ thống cơ chế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lên nấc cao hơn.

Tại sao trước đây không nhắc đến chiết khấu mà giờ mới nhắc?

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trước những vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở (trong đó bao gồm chi phí định mức và chi phí kinh doanh - phần để nơi cấp nguồn chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ).

Theo ông Tiến, hiện nay, công thức giá cơ sở gồm: Giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11-20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu. Chi phí được công khai ở Nghị định 95.

Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần.

“Các chi phí được tính toán, phản ánh từ khâu bán buôn, lưu thông, dự trữ đến người tiêu dùng”, ông Tiến nói và cho biết, số liệu này trên cơ sở của thương nhân đầu mối tính toán. Trên cơ sở thống kê chi phí, hoạt động cơ quan quản lý nhà nước công khai minh bạch trong quản lý xăng dầu.

Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Tiến, giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước không trả lời thẳng câu hỏi của các doanh nghiệp bán lẻ mà đặt ngược lại câu hỏi là: Tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học…

“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế? Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance