Thuế đối ứng Việt - Mỹ: Mấu chốt là tỷ lệ nội địa hoá?
Dưới góc nhìn của Guotai Junan Việt Nam, mấu chốt của thoả thuận thuế đối ứng Việt - Mỹ không nằm ở con số, mà ở tiêu chí tỷ lệ nội địa hoá - yếu tố định hình định nghĩa hàng hoá chuyển tải.
Theo báo cáo cập nhật về thuế đối ứng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, việc Việt Nam và Mỹ có thể đi đến thoả thuận trước kỳ hạn mà Tổng thống Donald Trump đặt ra (ngày 9/7) là một nỗ lực, cũng như một thành công của phía Việt Nam.
Chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc hội đàm “hết sức tích cực” với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng thống Donald Trump cho biết Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, thấp hơn đáng kể so với mức 46% trước đó. Với hàng hóa chuyển tải (transhipment), mức thuế được áp dụng là 40%. Đổi lại, Mỹ sẽ được tiếp cận thị trường Việt Nam với mức thuế 0%, đặc biệt ưu tiên mặt hàng ô tô SUV, sản phẩm mà ông Trump kỳ vọng sẽ có cơ hội thâm nhập tốt hơn vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Goutai Junan Việt Nam nhấn mạnh, đây mới chỉ là các thông tin sơ bộ, nhiều khả năng là một thoả thuận khung (như trường hợp của Mỹ và Trung Quốc) và còn đòi hỏi hai bên tiếp tục làm việc để đi đến thoả thuận chính thức.
“Hiện chưa rõ mức thuế 20% này là mức thuế trung bình (tức là có một số hàng hóa sẽ chịu mức thuế cao hơn, hoặc thấp hơn) hay là mức áp dụng chung cho tất cả mọi hàng hóa thỏa mãn các yêu cầu từ Việt Nam. Việc giảm thuế cho hàng hóa Mỹ cũng chưa rõ sẽ được áp dụng rộng rãi cho mọi mặt hàng”, báo cáo viết.

Tỷ lệ nội địa hoá: Cơ hội và thách thức
Dưới góc nhìn của Goutai Junan Việt Nam, điểm mấu chốt trong thỏa thuận không nằm ở con số mà nằm ở vấn đề định nghĩa hàng hoá chuyển tải, bởi vai trò quan trọng của nó trong việc xác định mức thuế áp dụng. Công ty chứng khoán này đề cập đến tin đồn rằng Mỹ đang yêu cầu Ấn Độ đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá ít nhất 60% để hàng hoá được công nhận có xuất xứ từ Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ đang phán để hạ ngưỡng tối thiểu xuống còn 35%.
Để làm rõ vấn đề, Goutai Junan Việt Nam trích dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tỷ lệ nội địa hoá của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo đó, các mặt hàng nông nghiệp là nhóm có tỷ lệ nội địa hoá cao nhất, ở mức 65%, trong khi thiết bị điện tử và máy tính đạt 50%, nhóm gỗ, giấy và hóa chất ở mức 48%, nhóm may mặc và da giày đạt 45%.
Nếu tiêu chí tỷ lệ nội địa hoá được Mỹ áp dụng với Việt Nam tương tự như cách họ yêu cầu với Ấn Độ, một bộ phận hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa đảm bảo được ngưỡng tối thiểu. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ không được hưởng mức thuế ưu đãi như kỳ vọng, từ đó gặp trở ngại trong việc tiếp cận thị trường Mỹ .

Tuy nhiên, Goutai Junan Việt Nam cũng cho rằng, chính tiêu chí về tỷ lệ nội địa hoá sẽ mở ra dư địa để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào hoạt động sản xuất, thay vì trung chuyển (tranship) như trước đây. Điều này cũng tạo cơ hội cho lao động nội tham gia vào chuỗi sản xuất, gia tăng thu nhập và củng cố ngành tiêu dùng nội địa trong dài hạn.
Đặc biệt, việc trở thành một trong những đối tác đầu tiên đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ – với mức thuế 20%, thấp hơn nhiều so với mức 46% công bố trước đó và cả mức 55% mà Mỹ đang áp dụng với hàng hóa Trung Quốc, Guotai Junan Việt Nam đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, công ty chứng khoán này cũng đề cập tới một số vấn đề cần được xử lý khéo léo.
Thứ nhất, do cùng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bị ràng buộc bởi nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN), việc Việt Nam giảm thuế cho hàng hóa Mỹ có thể dẫn tới nghĩa vụ phải áp dụng ưu đãi tương tự với các quốc gia thành viên khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, thỏa thuận thuế đối ứng giữa hai bên cần được ký kết dưới hình thứ hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc liên minh thuế quan
Thứ hai, việc ông Trump kỳ vọng đến dòng xe SUV của Mỹ thâm nhập vào thị trường Việt Nam có thể gây áp lực cho ngành công nghiệp ô tô còn khá non trẻ của Việt Nam, với một số doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn chịu chi phí khấu hao cao và lỗ ròng lớn.
Ngành nào an toàn, ngành nào vào “tầm ngắm”?
Bên cạnh những cơ hội và rủi ro trực tiếp từ thỏa thuận, báo cáo Guotai Junan Việt Nam còn tổng hợp danh sách các ngành được miễn thuế quan đối ứng trong chính sách của ông Trump và mức thuế với một số nhóm ngành bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại khác.

Trong đó, các ngành như dược phẩm, chất bán dẫn, năng lượng, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử, cùng các khoáng sản quan trọng như đất hiếm được ưu tiên miễn thuế nhằm đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung trong nước. Đây là những ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc phòng và khả năng cạnh tranh công nghệ của Mỹ.
Bên cạnh đó, gỗ xẻ, đồng, thép và nhôm – những nguyên liệu nền tảng cho xây dựng và hạ tầng – cũng nằm trong nhóm ưu tiên nhằm tránh việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, vốn có thể gây hiệu ứng lan tỏa tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Ở chiều ngược lại, báo cáo cũng liệt kê các ngành đang chịu thuế cao hoặc đang bị điều tra theo các biện pháp phòng vệ thương mại, phần lớn đều có liên quan đến những lo ngại lâu dài của Mỹ về xuất xứ, trợ cấp và tính minh bạch của chuỗi cung ứng.

Ngành tấm pin năng lượng mặt trời là trường hợp điển hình, với mức thuế tổng hợp (gồm thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế đối ứng) dao động từ 120% đến 813%. Theo Guotai Junan Việt Nam, mức thuế này phản ánh lo ngại của Mỹ về cạnh tranh không công bằng, đặc biệt liên quan đến sự hỗ trợ từ Trung Quốc cho các nhà sản xuất tại Việt Nam.
Mặc dù được miễn trừ khỏi thuế quan đối ứng, nhưng thép vẫn là ngành bị áp thuế tương đối nặng. Dựa theo sắc lệnh Section 232, mức thuế đối với mặt hàng này được tăng từ 25% lên 50%.
Trong khi đó, mặt hàng gỗ dán đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá trên diện rộng. Hơn 130 doanh nghiệp đã lọt vào “tầm ngắm” của Bộ Thương mại Mỹ, với biên độ phá giá bị cáo buộc từ 112,33-133,72
Ngành thủy sản có sự phân hóa rõ nét. Trong khi mặt hàng tôm vẫn chịu mức thuế tổng hợp khoảng 48,6%, gồm thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế đối ứng, thì cá tra lại được hưởng lợi. Theo thông báo mới nhất trong tháng 6/2025 của Bộ Thương mại Mỹ, kết quả kỳ rà soát lần thứ 20 (POR20) cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ được áp dụng mức thuế chống bán phá giá 0%.
Danh sách này bao gồm: Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH MTV Hải sản Đông Á, Công ty Cổ phần Hùng Cá 6, Công ty Nam Việt và Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp khác cũng được hưởng mức thuế 0% là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, vốn không thuộc diện rà soát lần này.