Phân tích tài chính: Thực tiễn từ CII đang làm gì để nỗ lực tìm cách thoát khỏi dòng tiền âm
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật (CII) không tạo ra nhiều dòng tiền, thậm chí thâm hụt, khiến công ty phải liên tục huy động dòng tiền tài chính. Nỗ lực đưa công ty thoát khỏi dòng tiền âm, HĐQT CII đã thực hiện loạt kế hoạch như thoái vốn, bán cổ phiếu quỹ, phát hành trái phiếu, xin cấp hạn tín dụng mới đồng thời tạm dừng triển khai mảng bất động sản…
Loạt động thái tìm cách thoát khỏi dòng tiền âm
Tính từ năm 2014 tới năm 2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM liên tục ghi nhận doành tiền kinh doanh âm. Chỉ có năm 2018 và 2019 ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương tới 715,6 tỷ đồng và 135,2 tỷ đồng.
Để thoát khỏi tình trạng này, trong thời gian qua, HĐQT CII liên tục sử dụng nhiều phương án khác nhau. Mới đây, CII công bố Vietcombank đã phê duyệt cấp tín dụng gần 9.350 tỷ đồng để tái cấu trúc dòng tiền các dự án của công ty. Tổng Giám đốc CII - Ông Lê Quốc Bình cũng cho biết khoản tín dụng này sẽ không tăng dư nợ của công ty do số tiền huy động mới sẽ được dùng để hoán đổi các khoản nợ hiện tại.
Cùng với đó, tại ĐHĐCĐ năm 2023 vừa qua CII công kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị gần 4.500 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm nhằm thanh toán các lô trái phiếu, đầu tư góp vốn vào các công ty con làm dự án.
Kế hoạch phát hành trái phiếu hay hạn mức tín dụng mới giúp cơ cấu lại các khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng sắp đến hạn của CII cùng các công ty thành viên. Thực tế, CII đang chịu áp lực lớn từ các khoản nợ lên tới gần 15.000 tỷ đồng, khiến công ty phải trả hơn 500 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi năm.
Gần đây CII đã liên tục phải thanh lý các tài sản tài chính và chỉ tập trung khai thác các dự án cốt lõi mang lại dòng tiền trực tiếp cho doanh nghiệp. Đồng thời triển khai các kế hoạch cơ cấu lại các khoản nợ vay hiện đang “bào mòn” khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận trong quý gần nhất của công ty.
Dù vậy, việc gọi vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi của CII và khoản tín dụng chỉ mới nằm trong kế hoạch. Trong khi đó, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII tăng 4,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 650,2 tỷ đồng, lên 15.232,5 tỷ đồng, bằng 183% vốn chủ sở hữu; còn tổng tiền mặt là 836,3 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng tài sản.
Đơn vị này gần đây cũng thông qua phương án thoái vốn tại công ty con là CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (mã SII – sàn UPCoM). Theo đó, từ ngày 6/6 đến ngày 5/7, CII đăng ký bán ra toàn bộ 32.661.350 cổ phiếu SII, tương đương 50,62% vốn điều lệ, về 0% vốn điều lệ.
Trong năm 2022, CII cũng liên tục thoái vốn tại nhiều công ty con như Năm Bảy Bảy, Vinaphill, CTCP Cấp nước Sài Gòn Pleiku, CTCP nước Sài Gòn - An Khê…
Còn về cổ phiếu quỹ, cũng trong năm 2022, CII từng đăng ký bán đến hơn 44 triệu cp quỹ trong đợt giao dịch từ 24/01-22/02/2022. Tuy nhiên, do thị giá chưa đạt mong muốn nên Công ty chỉ bán được 3.5 triệu cp (giá bình quân khoảng 35,128 đồng/cp). Sau đó, từ ngày 22/03-06/04/2022, CII bán thành công 9 triệu cp quỹ (giá bình quân 32,222 đồng/cp).
Đến thời điểm hiện tại, Công ty tiếp tục đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ còn lại. Tính đến ngày 31/03/2023, CII ghi nhận gần 31.8 triệu cp quỹ với giá trị hơn 737 tỷ đồng, tương đương 23,180 đồng/cp.
Để thoát khỏi tình trạng dòng tiền kinh doanh liên tục âm, CII đã nỗ lực khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng cho đến nay, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, CII vẫn đang âm tới 146,95 tỷ đồng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và âm 571 tỷ đồng tiền thuần từ đầu tư. Riêng chỉ có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là dương 644,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022 âm 842,6 tỷ đồng.
Quý I, lãi sau thuế giảm 95% do hụt thu từ tài chính
Theo báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII), quý I, công ty đạt doanh thu thuần 748 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu trong quý là từ hoạt động thu phí giao thông 348 tỷ đồng và từ hoạt động kinh doanh bất động sản 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,3% và 17,5%.
Song, doanh thu tài chính giảm mạnh, chủ yếu do giảm các khoản lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng đầu tư tài chính từ gần 776 tỷ đồng trong quý I/2022 còn hơn 900 triệu đồng trong quý vừa qua.
Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 34,8 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
Tại cuối quý I, tổng tài sản của CII là 29.006 tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm.
Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản phải thu với tổng giá trị 11.234 tỷ đồng, tăng 6,7%, chủ yếu là khoản phải thu do hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên như CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận,...
Ngoài ra, công ty cũng có gần 1.310 tỷ đồng phải thu là lãi vốn chủ ba dự án BOT, gồm mở rộng Xa Lộ Hà Nội; mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Ninh Thuận; mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua Phan Rang - Tháp Chàm.
Theo CII, trong 12 tháng tới, công ty sẽ giảm trừ khoản phải thu này vào doanh thu thu phí giao thông, với giá trị giảm trừ là hơn 102 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý I, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của CII là 1.435 tỷ đồng, trong đó hơn 776 tỷ đồng là thu tiền theo tiến độ khách hàng mua bất động sản.
Giá trị tồn kho của CII là 1.338 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong đó là tồn kho thành phẩm bất động sản 793,5 tỷ đồng tại ba dự án The River (lô 3.15 tại Thủ Thiêm), Khu nhà ở chung cứ số 152 Điện Biên Phủ và dự án D'Verano (lô 3.2 tại Thủ Thiêm).
Theo tài liệu DHĐCĐ thường niên năm 2023, giá trị tồn kho bất động sản này chủ yếu là các sản phẩm đã hoàn tất việc kinh doanh và sẽ bàn giao trong năm nay, tiến độ thu tiền cũng đang được thực hiện theo kế hoạch.
Ngoài ra, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 650,2 tỷ đồng, lên 15.232,5 tỷ đồng và bằng 183% vốn chủ sở hữu.
Trong đó, lịch trả nợ 1 năm là 1.299,6 tỷ đồng; trong năm thứ hai là 2.295,9 tỷ đồng … Ngược lại, tính tới 31/3/2023, tổng tiền mặt của Công ty là 836,3 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng tài sản.