Phát hành công trái USD: Khả thi...
Phương án phát hành công trái USD là khả thi, nhất là với những người có từ 10.000 USD trở lên sẽ rất quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết để huy động nguồn lực cho khôi phục kinh tế, bộ sẽ xây dựng đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. Thông tin này được ông Phớc đưa ra tại phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội chiều 29/10, về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Nhận định thêm về đề xuất trên, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển đánh giá phương án này hoàn toàn khả thi.
TS Đinh Thế Hiển giải thích, khi Chính phủ cần thêm nguồn lực lớn để phục hồi kinh tế, cho phát hành công trái ngoại tệ có nhiều lợi thế, hấp dẫn hơn để huy động ngoại tệ tiền mặt cất giữ trong dân và đang gửi tại ngân hàng.
Với phương án phát hành công trái USD, điểm khả thi thứ nhất là vì lãi suất gửi USD ở ngân hàng hiện là 0%, trong khi lãi suất tiết kiệm VND là 4-6%/năm.
Nếu phương án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước được thiết kế ở mức lãi suất khoảng 2- 3% là đủ hấp dẫn thì có thể thu hút được người dân tham gia.
Trong trường hợp muốn phát hành công trái quốc tế thì mức lãi suất tiền gửi phải từ 5% trở lên mới khả thi.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, nếu người dân mua công trái USD thì người dân cũng phải chấp nhận mất đi quyền rút ngoại tệ trước thời hạn.
Ông cho biết, mua công trái USD là hình thức đầu tư, nhưng công trái thường có kỳ hạn dài, do Chính phủ phát hành và được mua bằng ngoại tệ.
Hiện nay khi người dân gửi ngoại tệ vào ngân hàng với lãi suất 0% nhưng người dân đang có được quyền rút ra bất kỳ thời điểm nào nếu người gửi muốn. Nhưng mua công trái USD thì ngược lại, người mua phải hết kỳ hạn mới được rút.
Mặc dù vậy, điều này theo ông cũng không đáng ngại, vì hiện Việt Nam đã có thị trường chứng khoán, một kênh giao dịch linh hoạt. Điểm hạn chế của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay mới chỉ phát triển ở một kênh giao dịch cổ phiếu. Trong khi thị trường chứng khoán quốc tế các hoạt động giao dịch trái phiếu rất mạnh, lớn gấp 3 lần hoạt động giao dịch cổ phiếu. Ngay ở các tổ chức ngân hàng hiện cũng vẫn đang thực hiện các hoạt động mua - bán trái phiếu với nhau.
Việc này khiến khả năng tài chính cũng như nhu cầu về tài chính được biến đổi theo từng thời kỳ. Nếu các hoạt động này được phát triển nhanh sẽ làm tăng tính thanh khoản trái phiếu, từ đó giúp trái phiếu trở thành công cụ huy động vốn hiệu quả, hấp dẫn, đi vào cuộc sống nhiều hơn.
Còn với lo ngại, với mức lãi suất đủ hấp dẫn có thể nhiều người sẽ ồ ạt rút ngoại tệ để mua trái phiếu dẫn tới thiếu hụt ngoại tệ tiền mặt, ông Hiển cho rằng điều này không đáng lo ngại. Theo vị chuyên gia, về nguyên tắc tổng ngoại tệ vẫn nằm trong nước không thay đổi, thay vì Chính phủ mượn ngoại tệ của ngân hàng thì Chính phủ trực tiếp phát hành trái phiếu ngoại tệ để huy động, mượn ngoại tệ từ dân.