Phát hành trái phiếu xanh, mua bán tín chỉ carbon... TP.HCM tính thu về chục tỷ USD
Ngày 6/9, tại TP. HCM đã diễn ra hội thảo 'Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon', với sự tham dự của lãnh đạo chính quyền, chuyên gia kinh tế, đại diện các ngân hàng, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Chuyển đổi xanh giải quyết vấn đề nội tại
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á.
Đây là một thách thức khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam giảm 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
WB ước tính, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.
Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.
Vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách phải tính đến xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế, bao gồm nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến xuất khẩu, từ dịch vụ đến thương mại, và cả thị trường chứng khoán cũng như bất động sản... Tất cả đều buộc phải xanh hóa.
Với đầu tàu kinh tế cả nước, TP. HCM hiện đang có rất nhiều vấn đề thúc bách từ bên trong như: giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, đây là những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TP. HCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước.
Do đó TP. HCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và sẽ chính thức công bố vào tháng 9/2023.
Theo lãnh đạo TP.HCM, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Thời gian tới, TP. HCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Một số trụ cột khác của khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của TP. HCM là hạ tầng, hành vi, tuần hoàn tài nguyên. TP. HCM định hướng tập trung cho năng lượng. Hiện năng lượng sạch chỉ chiếm 14%, đến năm 2030 cũng chỉ tối đa 30%.
Đồng thời, TP. HCM mong muốn phát triển một thị trường trái phiếu xanh để thu hút nguồn vốn quốc tế và trong nước, cũng như một thị trường tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch mua bán tín chỉ carbon, để kinh tế thành phố đạt được các mục tiêu phát triển và bền vững.
Theo đó, tài chính xanh và thị trường carbon (tín chỉ carbon) đều là những cơ chế tài chính có thể đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường. Nếu như tín dụng xanh có thể cung cấp vốn cho các dự án được chứng nhận bằng các tín chỉ carbon, thì tín chỉ carbon như tấm thẻ bài đưa hàng sang các nước..
Trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa
Theo Nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Ngọc Thơ, TS. Hồ Quốc Tuấn, TS. Lê Đạt Chí và Ths Nguyễn Thị Thu Hà, TP. HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
TP. HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.
Nhiều doanh nghiệp đã dần bắt đầu hành động. Không chỉ đẩy nhanh tiến bộ trong việc kiểm kê khí thải, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp, như thay đổi trong hoạt động kinh doanh để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và tạo ra giá trị bền vững.
Các dự án chuyển đổi xanh có thể là sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, thay thế vật liệu xanh hơn, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch, tối ưu hóa quản lý chất thải, tích hợp quản lý môi trường vào chiến lược kinh doanh.
TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Vương quốc Anh nêu rõ, kinh tế xanh đang là xu hướng chung của thế giới. Theo Chỉ số Tài chính xanh toàn cầu (Global Green Finance Index), chỉ trong 3 năm, Singapore đã đứng đầu khu vực và xếp thứ 11/86 trung tâm tài chính quốc tế.
Từ năm 2019, Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) đã ra mắt Kế hoạch hành động tài chính xanh, định hướng cho việc phát triển hệ sinh thái tài chính xanh. MAS cũng thành lập Ủy ban Công nghiệp tài chính xanh (GFIT) để xây dựng Singapore thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu châu Á, sử dụng tài chính xanh và bền vững như một cách tiếp cận chính để đạt các cam kết giảm phát thải.
Theo Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, TP. HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, TP. HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán về con đường giảm phát thải trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, TP. HCM cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải.
Với vai trò trung tâm tài chính, TP. HCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành.
"TP.HCM nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa', nhóm ngiên cứu đề xuất.