Nỗ lực đưa trái phiếu xanh đến các doanh nghiệp Việt Nam

Theo các chuyên gia, trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.

Trên thế giới, trái phiếu xanh đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội.

Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.

Hiện tại, trái phiếu xanh đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ, Canada, Pháp, Anh và Trung Quốc, tập trung vào các ngành có liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải.

Tại Việt Nam, sau đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn, đồng thời mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất tham vọng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu vốn cho doanh nghiệp ở rất nhiều ngành. Do đó, trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Vào thời điểm hiện tại, tổng thể thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn, nhiều tổ chức phát hành vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu xanh hoặc chưa chú ý đầu tư có trách nhiệm vào các sản phẩm, dự án có tính bền vững.

Trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn.
Trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn.

Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Mặc dù đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng các bộ, nghành vẫn đang chờ đợi một chiến lược phát triển kinh tế xanh một cách đồng bộ, trong đó chỉ rõ những lĩnh vực, những ngành, sản phẩm cần phải xanh hóa và lộ trình triển khai thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, cùng với sự ra đời của Luật Chứng khoán 2019 củng cố mạnh hơn khung pháp lý quốc gia về thị trường chứng khoán cũng như chính sách cởi mở, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thị thường Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng về thu hút các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển thị trường tài chính, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu xanh, định hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, nhiều nhóm giải pháp được đề xuất thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh đến năm 2030 nhằm phục vụ mục tiêu huy động vốn cho phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính xanh, cụ thể:

Thứ nhất, rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với thịtrường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng.

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tăng cường hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

Thứ tư, thúc đẩy đầu tư, giao dịch trái phiếu xanh dựa trên phát triển cơ sở nhà đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư trái phiếu xanh như miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư trái phiếu xanh.

Thứ sáu, phát triển thị trường trái phiếu nói chung, để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh như đẩy mạnh cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm ở thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, thúc đẩy cả về cung và cầu trái phiếu xanh, hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh.

Doanh nghiệp không hoàn toàn xanh cũng có thể phát hành trái phiếu xanh

Theo Chủ tịch Fiin Ratings, đối với thị trường trong nước, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp trong việc phát triển trái phiếu xanh là chưa có động lực đủ hấp dẫn để họ thực hiện. Thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2019. Sau châu Âu, khu vực ASEAN+3 chiếm 15,3% tổng số trái phiếu bền vững đang lưu hành trên thị trường toàn cầu. 

Hệ thống tín dụng Việt Nam thì áp trần tăng trưởng tín dụng mỗi năm chỉ khoảng 14-15%, thị trường trái phiếu trong nước gặp nhiều vấn đề. Vậy nên, tiến trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là cơ hội lớn để tiếp cận các nguồn vốn khác nhau, không chỉ có nguồn vốn trong nước thông qua tín dụng ngân hàng, trái phiếu và các tổ chức tài chính trong nước mà còn có các tổ chức nước ngoài.

Hiện tại, mới chỉ có ngành năng lượng tái tạo tiếp cận với trái phiếu xanh, tuy nhiên trong thời gian tới nếu như Chính phủ ban hành được quy hoạch Điện VIII và phát triển hạ tầng cho nhiều ngành kinh tế liên quan đến nước, rác thải, nguyên liệu tái chế sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong diện được phát hành trái phiếu xanh.

Với các yếu tố phát triển xanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng không gian gọi vốn ra thị trường quốc tế. Ông Thuân cho hay, chất lượng trái phiếu xanh đã đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả các trái phiếu A và BBB cũng có thể phát hành.

Các chứng nhận như: Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu của Climate Bonds Initiative (CBI) hay Dấu Chứng nhận Trái phiếu Khí hậu “Certification Mark” được sử dụng để chỉ định trái phiếu xanh, các khoản cho vay xanh, và công cụ nợ xanh đã được chứng nhận. Trên toàn cầu, các trái phiếu được Chứng nhận đã đạt tới 210 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống