Doanh nghiệp ‘không hoàn toàn xanh’ cũng có thể phát hành trái phiếu xanh

Với các yếu tố phát triển xanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng không gian gọi vốn ra thị trường quốc tế. Chủ tịch Fiin Ratings cho hay, chất lượng trái phiếu xanh (TPX) đã đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả các trái phiếu A và BBB cũng có thể phát hành.

TPX đang được coi là phương tiện huy động vốn hữu hiệu từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng chung, là một kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.

Trên thế giới, TPX đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành TPX đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.

Đã có cơ chế huy động nhưng chính sách vẫn còn bỏ ngỏ

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Ratings, đối với thị trường trong nước, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp trong việc phát triển trái phiếu xanh là chưa có động lực đủ hấp dẫn để họ thực hiện. Cơ chế cho việc huy động trái phiếu xanh đã có nhưng những chính sách khuyến khích thì hiện vẫn chưa có.

Trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.
Trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.

Ông Thuân cho biết, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2019. Sau châu Âu, khu vực ASEAN+3 chiếm 15,3% tổng số trái phiếu bền vững đang lưu hành trên thị trường toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2025, giá trị phát hành trái phiếu xanh hàng năm trên toàn cầu đạt khoảng 5.000 tỷ USD. Chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được khoảng 1% quy mô toàn cầu về trái phiếu xanh, tức là khoảng 50 tỷ USD/năm vốn dành cho Việt Nam.

Trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn, đồng thời mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất tham vọng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu vốn cho doanh nghiệp ở rất nhiều ngành. Hệ thống tín dụng Việt Nam thì áp trần tăng trưởng tín dụng mỗi năm chỉ khoảng 14-15%, thị trường trái phiếu trong nước gặp nhiều vấn đề.

Vậy nên, tiến trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là cơ hội lớn để tiếp cận các nguồn vốn khác nhau, không chỉ có nguồn vốn trong nước thông qua tín dụng ngân hàng, trái phiếu và các tổ chức tài chính trong nước mà còn có các tổ chức nước ngoài.

Chất lượng trái phiếu xanh đã đa dạng hơn

Với các yếu tố phát triển xanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng không gian gọi vốn ra thị trường quốc tế.

Ông Thuân cho hay, chất lượng trái phiếu xanh đã đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả các trái phiếu A và BBB cũng có thể phát hành.

Các chứng nhận như: Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu của Climate Bonds Initiative (CBI) hay Dấu Chứng nhận Trái phiếu Khí hậu “Certification Mark” được sử dụng để chỉ định trái phiếu xanh, các khoản cho vay xanh, và công cụ nợ xanh đã được chứng nhận. Trên toàn cầu, các trái phiếu được Chứng nhận đã đạt tới 210 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021.

Theo các chuyên gia, trái phiếu xanh là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, trái phiếu xanh là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững.

Hiện tại, mới chỉ có ngành năng lượng tái tạo tiếp cận với trái phiếu xanh, tuy nhiên trong thời gian tới nếu như Chính phủ ban hành được quy hoạch Điện VIII và phát triển hạ tầng cho nhiều ngành kinh tế liên quan đến nước, rác thải, nguyên liệu tái chế sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong diện được phát hành trái phiếu xanh.

Đặc biệt, nhiều ngành sản xuất nghe có vẻ chưa thân thiện với môi trường lắm như ngành thép, xi măng nhưng vẫn có cơ hội huy động trái phiếu chuyển đổi để có thể “xanh” hơn. Tức là doanh nghiệp chưa xanh nhưng có những cấu phần “xanh” thì nhà đầu tư quốc tế và những định chế tài chính cũng rất quan tâm.

Như ngành thép dùng nhiệt để tái sử dụng tuần hoàn cho sản phẩm khác thì vẫn là lĩnh vực nằm trong “khẩu vị” đầu tư của các định chế quốc tế trong bối cảnh hiện tại.

Đối với thị trường trong nước, ông Thuân cho rằng, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp trong việc phát triển trái phiếu xanh là chưa có động lực đủ hấp dẫn để họ thực hiện. Cơ chế cho việc huy động trái phiếu xanh đã có nhưng những chính sách khuyến khích thì hiện vẫn chưa có.

Trái phiếu xanh khi niêm yết mới chỉ được giảm 50% phí lưu ký, điều này rất nhỏ so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Cái họ muốn nhìn thấy ngay là lãi suất đối với trái phiếu xanh có giảm được hay không, kỳ hạn có kéo dài không, thuế đối với doanh nghiệp và cả nhà đầu tư mua trái phiếu xanh có được ưu đãi không… Phần thuế đang là câu chuyện bỏ ngỏ chờ chính sách của Chính phủ còn lãi suất và kỳ hạn là câu chuyện của thị trường.

Trước đó, tại hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn", chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho biết, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển của kinh tế tuần hoàn đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ mô hình doanh này.

Hiện quy mô trái phiếu xanh Việt Nam còn nhỏ (chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021; thấp hơn 8 lần quy mô trái phiếu xanh của Singapore dù đứng thứ hai về quy mô phát hành trong ASEAN-6 năm 2021); chưa đáp ứng yêu cầu về ESG; chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh.

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần xây dựng và thực thi "văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh" trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Phát triển đa dạng các loại hình tài chính bền vững. Cụ thể, xây dựng quy trình thẩm định riêng hoặc sổ tay hướng dẫn về tín dụng đối với kinh tế tuần hoàn và sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho các ngành kinh tế.

Ngoài ra, xây dựng lộ trình hỗ trợ với các DN phát triển kinh tế tuần hoàn (có thể chọn lọc một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát trển đang được ưu đãi như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp sạch, công nghệ cao; DN công nghệ thông tin, DN vừa và nhỏ (DNNVV)…. Xây dựng các Quỹ tái cấp vốn, cơ chế liên kết tài trợ kinh tế tuần hoàn với lãi suất ưu đãi.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống