Phát triển 'thần tốc', Tập đoàn Nam Cường có được Hà Nội “ưu ái”?
Hoàn thành tuyến đường BT, Tập đoàn Nam Cường nhanh chóng vươn vai trở thành “người khổng lồ”, làm chủ đầu tư của các khu đô thị lớn. Liệu doanh nghiệp này phát triển đạt “đỉnh” có phải nhờ năng lực?
Sự “ưu ái” vẫn được nối dài?
Năm 2008, Tập đoàn Nam Cường gây chú ý khi được TP. Hà Nội giao đầu tư dự án đường Lê Văn Lương kéo dài (toàn tuyến hơn 5,1km), có tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án này Nam Cường đã được đối ứng bằng quỹ đất của Khu đô thị Dương Nội rộng tới 200ha.
Vào tháng 1/2008, Nam Cường đã khởi công xây dựng cả 2 dự án này và cũng rất nhanh chóng, đường Lê Văn Lương kéo dài đã được hoàn thành và thông xe vào ngày 8/10/2010
Bên cạnh đó, Nam Cường có thêm quỹ đất 46,1ha (tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, Hà Nội) để phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang nhờ việc liên danh với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cùng đầu tư dự án đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT (chiều dài 2,7km) và đã đưa vào sử dụng năm 2010.
Nhận được hàng loạt dự án lớn, được hỗ trợ tối đa trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng từ các cấp chính quyền để rồi doanh nghiệp phất lên như diều gặp gió nhờ chào hàng đúng “đỉnh” của thị trường bất động sản, đủ thấy Nam Cường có những mối quan hệ “thâm tình” với thành phố Hà Nội.
Quay trở lại với dự án khu đô thị mới Dương Nội, hồi năm 2008 – 2010, dự án trở thành tâm điểm “sốt nóng” khi thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn, mua đi bán lại thu tiền chênh lệch vài trăm triệu, tới cả tỉ đồng ngay từ khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng. Tuy nhiên sau nhiều năm xây dựng, đến nay nhiều khu đất vẫn quây tôn, xây dựng dở dang hoặc bỏ hoang.
Nhiều căn biệt thự trong dự án đang bỏ hoang
Việc mua bán “chui” này được thực hiện thông qua các bản thoả thuận/hợp đồng góp vốn kèm quyền ưu tiên mua nhà liền kề, biệt thự…
Theo Kinh tế Môi trường, đã có người thân của lãnh đạo TP. Hà Nội cũng tham gia góp vốn vào dự án Dương Nội, đơn cử như, bà Chu Thị Kim Thoa – vợ của nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã góp vốn mua một lô đất biệt thự (rộng hơn 200m2) tại Khu A từ năm 2008.
Sau khi ông Khôi nghỉ hưu (năm 2014), bà Thoa đã xin chuyển nhượng lô đất cho một người thân khác của lãnh đạo này. Được biết, giá trị của lô đất biệt thự tương tự của bà Kim Thoa trên thị trường là từ 10-11 tỉ đồng.
Khởi đầu từ một doanh nghiệp vận tải nhỏ, thành lập từ năm 1984 nhưng phải đến khi chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn và đổi tên giao dịch thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội, cùng với đó là mối “thâm tình” với thành phố Hà Nội thì Nam Cường mới tạo dựng được tên tuổi trên thương trường.
Thành công với một dự án BT ở Hà Nội, Nam Cường đã nhanh chóng mở rộng quỹ đất “khủng” khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ), được đối ứng bằng quỹ đất của hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất) là 922 ha. Nhưng đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại 2 dự án đô thị cho TP Hà Nội. Khu đô thị mới Cổ Nhuế rộng 17,6 ha cũng được giao cho doanh nghiệp này.
Sự hỗ trợ dường như không dừng lại ở đó, dư luận còn nhận thấy sự ưu ái này được thể hiện ở việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội (theo Quyết định số 1955/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây ngày 2/7/2008) đã tăng diện tích đất thêm 6,5ha, lên gần 203,8ha. Theo phản ánh từ Tạp chí Bất động sản Việt Nam - Realtimes và Kinh tế môi trường, số lượng căn biệt thự tăng lên thêm 511 căn.
Hiện, người dân có nhu cầu tìm hiểm, tiếp cận với Bản quy hoạch 1/500 của khu đô thị mới Dương Nội là rất khó khăn. Mặc dù nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh vấn đề này.
Công trình biệt thự hoành tráng của bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường bị nghi là xây dựng sai phép
Ở một diễn biến khác, cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã đưa dự án khu đô thị Dương Nội và Handico vào kế hoạch kiểm toán để làm rõ các vấn đề đầu tư, tài chính… Đến nay, kết quả của 2 cuộc kiểm toán này vẫn chưa được công bố.
Trước đó, dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài từng dính lùm xùm về “đội vốn” đầu tư lên tới 1.000 tỉ đồng, vượt gấp 43% tổng mức đầu tư ban đầu. Như vậy, chi phí xây dựng mỗi km đường này lên tới 200 tỉ đồng. Chi phí xây dựng con đường được cho là rất đắt đỏ ở thời điểm năm 2008.
Với những ưu ái được thể hiện trước đó, việc kết quả kiểm toán bị “ém nhẹm” bấy lâu nay lại dấy lên mối ngờ vực phải chăng đến giờ doanh nghiệp này vẫn nhận được sự ưu ái nối dài từ phía chính quyền Hà Nội và các cấp cao hơn?
Người dân mất đất, mất nhà, quyền lợi vẫn bị “treo”
Như đã nhắc đến ở trên, sau khi hoàn thành tuyến đường BT, Tập đoàn Nam Cường được đối ứng bằng quỹ đất đối ứng rộng lớn, phát triển nhiều khu đô thị, và án khiêm tốn nhất của Nam Cường là khu đô thị mới Cổ Nhuế cũng có quy mô 17,6ha.
Tháng 10/2004, UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế, thì đến ngày 4/8/2006, thành phố đã ban hành quyết định 3451/QĐ-UB thu hồi 122.768m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) giao cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Nam Cường (thuộc Tập đoàn Nam Cường) đầu tư
Tập đoàn Nam cường làm chủ đầu tưu của dự án CT3 - khu đô thị mới Cổ Nhuế bao gồm 4 tòa nhà chung cư, văn phòng và 50 căn biệt thự liền kề
UBND huyện Từ Liêm đã thành lập Hội đồng GPMB, điều tra hiện trạng, lập phương án đền bù, hỗ trợ, chi trả đền bù và tái định cư cho người dân trong phạm vi của dự án Cổ Nhuế. Ở thời điểm đó, đơn giá đền bù đất chỉ là 108.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, kèm hỗ trợ chuyển đổi nghề là 25.000 đồng/m2, hỗ trợ ổn định cuộc sống 35.000 đồng/m2.
Tổng số tiền bồi thường thu hồi đất, hỗ trợ, thưởng tiến độ… là 171.000 đồng/m2. Những hộ dân có đủ điều kiện còn được bố trí tái định cư trong phạm vi dự án Khu đô thị Cổ Nhuế trên cơ sở thoả thuận với chủ đầu tư.
Công tác kiểm kê, định giá đền bù, giải phóng mặt bằng được triển khai rất nhanh chóng. Đến tháng 5/2014, qua 6 đợt thực hiện, đã bồi thường hỗ trợ xong đất nông nghiệp cho người dân với số tiền hơn 47 tỉ đồng.
Tuy nhiên, dự án vẫn bị vướng mắc trong khâu đền bù tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Theo quy định của Nghị định 84, nhiều hộ dân được bồi thường thêm một suất tái định cư bằng tiền là 686 triệu đồng nhưng tại thời điểm bồi thường hỗ trợ chưa thực hiện. Sau khi rà soát, quận Bắc Từ Liêm xác định có khoảng 54 hộ dân chưa được duyệt phương án bồi thường theo Nghị định 84 với số tiền hơn 37 tỉ đồng.
Nhiều căn biệt thự hiện đang bỏ hoang, ngày càng xuống cấp
Tập đoàn Nam Cường thâu tóm dự án trên với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng rất thấp, nhưng ra mắt thị trường vào đúng thời điểm sốt nóng của bất động sản năm 2008, chủ đầu tư nhanh chóng phân lô bán nền, mở bán hàng nghìn căn hộ của 6 toà chung cư… thu về cả nghìn tỉ đồng.
Suốt 15 năm qua, kể từ khi TP Hà Nội quyết định thu hồi đất để giao cho Nam Cường làm dự án bất động sản, người dân Cổ Nhuế nằm trong diện bị thu hồi đất vẫn ngóng chờ khoản bồi thường, hỗ trợ. Thế nhưng, sự “mập mờ” trong thực hiện chính sách đền bù và hỗ trợ tái định cư của chính quyền và chủ đầu tư khiến cho quyền lợi của nhiều người dân mất đất, mất nhà vẫn “treo” hàng chục năm qua
Những căn nhà tạm, lụp xụp nằm xen lẫn với các căn biệt thự sang trọng.
Mặc dù vậy, sự việc vẫn được giữa im lặng trong suốt nhiều năm qua, người dân “thấp cổ bé họng” muốn đòi quyền lợi nhưng chưa một lần đưa các cấp chính quyền tiếp nhận và xử lý kiến nghị, điều này càng khiến dư luận tin vào một mối quan hệ “thâm tình” giữa Nam Cường và chính quyền sở tại.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Cẩm Anh/ Môi trường đô thị