Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lào Cai là tỉnh thứ 6 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Cụ thể, quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 1Ảnh minh hoạ.

Đến năm 2030, GRDP/người tỉnh Lào Cai phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP/người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao trong cả nước; trở thành trung tâm của vùng về trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để Lào Cai phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện; bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 01 trục động lực, 02 cực phát triển, 03 vùng kinh tế, 04 trụ cột phát triển kinh tế, 05 nhiệm vụ trọng tâm, để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của tỉnh.

Một trục động lực: Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng; trong đó phát triển trục đô thị: Thị trấn Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu mở rộng (bao gồm: Sơn Hà, Sơn Hải), các đô thị mới Bảo Hà - Tân An, Trịnh Tường, Võ Lao; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến sâu nông sản; thu hút đầu tư xây dựng các khu logistics, hạ tầng thương mại phục vụ kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển các khu dịch vụ du lịch, du lịch văn hóa - tâm linh và vui chơi giải trí… Đây là trục dọc đóng vai trò “hạt nhân” đối với liên kết không gian phát triển cho 3 hành lang kinh tế, kết nối vùng, liên vùng và cả nước với khu vực Tây Nam - Trung Quốc.

Hai cực phát triển (Cực “Bắc” và Cực “Nam”): Cực phía Bắc bao gồm toàn tuyến biên giới phía Bắc gồm các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát; một số huyện vùng cao Bắc Hà, thị xã Sa Pa, một phần địa giới hành chính của huyện Bảo Thắng: Có vai trò là cầu nối khu vực ASEAN và cả nước với khu vực Tây Nam – Trung Quốc và châu Âu, trong đó hạt nhân là khu hợp tác kinh tế qua biên giới, trọng tâm là phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế đô thị, công nghiệp, logistics. Cực phía Nam bao gồm toàn các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng và khu vực phía Nam thành phố Lào Cai: Có vai trò liên kết, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, đường giao thông kết nối ngang sang các tỉnh phía Đông (Hà Giang, Tuyên Quang), phía Tây (Lai Châu, Điện Biên Sơn La), phía Nam (Yên Bái, Phú Thọ, các tỉnh phía Bắc, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Ba vùng kinh tế gồm : Vùng thấp (các huyện Văn Bàn, Bảo Yên). Vùng cao (các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thị xã Sa Pa, phần phía Tây huyện Bát Xát). Vùng trung tâm (thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng).

Bốn trụ cột phát triển kinh tế gồm : Phát triển kinh tế cửa khẩu - Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo - Phát triển du lịch - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là những ngành có phạm vi ảnh hưởng lớn, giải quyết nhiều lao động, là những ngành có nền tảng phát triển dựa trên tiềm năng vốn có của tỉnh, có điều kiện phát triển bền vững và dài hạn, được hoạch định để trở thành những ngành trụ cột của nền kinh tế tỉnh trong thời kỳ 2021 - 2030.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển và tạo ra các lợi thế so sánh động của Lào Cai. (2) Phát triển nguồn nhân lực, nguồn lao động. (3) Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số. (4) Nông nghiệp nông thôn và ổn định sắp xếp dân cư. (5) Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng lựa chọn 3 khâu đột phá chiến lược: (1) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; (2) Phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số; (3) Phát triển dịch vụ và 6 giải pháp căn cơ để thực hiện Quy hoạch tỉnh: (1) Nhóm giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực; (2) Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; (3) Nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường; (4) Giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (5) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; (6) Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

1. Các mục tiêu phát triển kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 10,5%/năm.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm thủy sản chiếm - Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là: 7,7% - 50,6% - 36,0% - 5,6%.

- GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 260 triệu đồng/năm (gấp gần 1,4 lần mức bình quân của cả nước) vào năm 2030.

- Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 145 triệu đồng (tương đương mức bình quân của cả nước).

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 520 ngàn tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030.

- Phấn đấu tự cân đối được ngân sách vào năm 2030.

- Phấn đấu toàn tỉnh đến năm 2030 có trên 15.000 doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên 70%.

- Đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 13 triệu lượt người; đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt trên 20%

- Đến năm 2030, giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 15 tỷ USD.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% vào năm 2030.

- Phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 7,5%; giai đoạn 2026 - 2030 duy trì trên 7,5%/năm.

2. Các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,0 - 1,2%/năm.

- Cơ bản các hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia vào năm 2030.

- Đến năm 2030, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương đạt 90%.

- Đến năm 2030, số giường bệnh/1 vạn dân đạt 46 giường bệnh; số bác sỹ trên một vạn dân đạt 16,5 bác sỹ.

- Tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm bình quân 2 - 3%/năm/giai đoạn 2026 - 2030.

- Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 45%.

- Duy trì và phát triển 80% các thiết chế văn hóa trên địa bàn được kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

3. Các mục tiêu về bảo vệ môi trường

- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì trên 60% vào năm 2030.

- Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các đô thị đạt 97% vào năm 2030.

- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung đạt 95% vào năm 2030.

- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2030 đạt 90%.

- Tỷ lệ số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 100% vào năm 2030.

- Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt trên 85% vào năm 2030.

- 100% chất thải nguy hại phát sinh được thu gom, tạm trữ và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- 100% các khu, cụm công nghiệp mới hình thành được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải.

- Đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%; 100% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

4. Về an ninh quốc phòng

Phấn đấu 100% xã, phương thị trấn đạt cơ sở vững manh toàn diện; Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Văn Trì

Theo Chất lượng và cuộc sống