Phố Wall 'lỗ' nặng, Dow Jones giảm 300 điểm trước dữ liệu việc làm mới
Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đã ghi nhận các khoản lỗ nặng khi thị trường bắt đầu một lượt bán tháo sau khi dữ liệu việc làm tốt hơn mong đợi làm gia tăng sự lo lắng của các nhà đầu tư về tình trạng của nền kinh tế và xu hướng lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (6/7), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 366,38 điểm, tương đương 1,07%, đóng cửa ở mức 33.922,26. Chỉ số S&P 500 mất 0,79% và kết thúc ở mức 4.411,59. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,82% xuống 13.679,04.
Phiên giao dịch ngày 6/7 đánh dấu hiệu suất hàng ngày tồi tệ nhất đối với chỉ số Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 5.
Cả 3 chỉ số chính đang trên đà kết thúc tuần ở mức thua lỗ, khi chỉ còn phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/7) trong tuần giao dịch bị rút ngắn do kỳ nghỉ lễ. Chỉ số Dow Jones tuần này đã giảm 1,4%, trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng tuần lần lượt là 0,9% và 0,8%.
Trong phiên 6/7, các chỉ số chính của Phố Wall đã giảm mạnh do một đợt bán tháo trên diện rộng sau khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu và làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang sẽ mạnh tay trong việc tăng lãi suất của Mỹ.
Theo đó, dữ liệu cho thấy bảng lương khu vực tư nhân đã tăng nhiều hơn dự kiến vào tháng 6, cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng. Một báo cáo riêng cho thấy cơ hội việc làm của Mỹ giảm trong tháng 5, nhưng vẫn ở mức cao.
Một ngày trước báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ, bằng chứng về thị trường lao động vững chắc đã thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để chế ngự lạm phát.
Brad McMillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ sự suy giảm nào trong thị trường lao động. Fed không phải lo lắng về thị trường việc làm”.
Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng vọt sau dữ liệu thị trường lao động. Lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm tăng vọt trên 4% trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc hai năm, thường thay đổi theo kỳ vọng lãi suất, đạt mức cao nhất trong 16 năm.
Tất cả 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều giảm điểm. Trong đó, chỉ số lĩnh vực năng lượng (.SPNY) dẫn đầu với mức giảm khoảng 2,5%, trong khi lĩnh vực hàng tiêu dùng tùy ý (.SPLRCD) giảm gần 1,7%.
Tuy nhiên, mức tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã phần nào giảm bớt "thiệt hại" của các chỉ số chính. Cổ phiếu Microsoft tăng 0,9% trong khi Apple tăng 0,3%.
Một số cổ phiếu khác đáng chú ý trong ngày gồm cổ phiếu của Exxon Mobil Corp, giảm 3,7% sau khi công ty dầu mỏ lớn này báo hiệu lợi nhuận hoạt động trong quý II giảm mạnh do giá khí đốt tự nhiên thấp hơn và biên lợi nhuận lọc dầu yếu hơn.
Cổ phiếu của JetBlue Airways đã giảm 7,2% một ngày sau khi công ty cho biết họ sẽ tuân theo lệnh hồi tháng 5 của thẩm phán Mỹ về việc chấm dứt liên minh với American Airlines để bảo toàn kế hoạch mua Spirit Airlines.
Khoảng 11,7 tỷ cổ phiếu được trao tay trên các sàn giao dịch của Mỹ, so với mức trung bình hàng ngày là 11,1 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Theo dữ liệu của Refinitiv, báo cáo doanh nghiệp quý hai sẽ đến trong vài tuần tới với thu nhập S&P 500 dự kiến sẽ giảm 5,7% so với một năm trước.