Phú Yên: Dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không muốn "vạch áo cho người xem lưng"

Chủ đầu tư không muốn công khai việc mình đã bị “lừa” nên cùng với chủ thầu tìm cách khống chế, biện minh cho việc chậm trễ thi công. Chậm triển khai, 20 dự án bị thu hồi chứng nhận đầu tư Đà Nẵng: Nhiều dự án chậm triển khai

Trong thời gian qua, hàng loạt các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên chậm tiến độ, kể cả các công trình cấp bách, công trình trọng điểm song vẫn chưa được xử lý, dẫn đến tình trạng đó kéo dài... gây bức xúc trong dư luận.

Chậm hàng loạt

Qua việc điều tra, xem xét ở một số công trình xây dựng tại Phú Yên, tính đến nay đã có hàng chục công trình trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ thi công từ 6 tháng đến hàng năm như: Công trình xây dựng Bệnh viện đa khoa Sông Hinh được đầu tư với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đạt Duy thi công, đáng ra công trình đã bàn giao đi vào sử dụng gần 2 năm nay, nhưng đến nay công trình này vẫn đang “trùm mền”.

Chúng tôi tìm đến trụ sở của Cty Đạt Duy thì được biết công ty đã chuyển đi từ trước Tết (năm 2011), còn chuyển đi đâu thì không ai biết. Công trình xây dựng trụ sở làm việc UBND huyện Đông Hoà do Ban quản lý công trình huyện Đông Hoà làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 3-9-2009 hoàn thành ngày 3-11-2010, do Cty TNHH Tân Phú và Cty TNHH xây dựng Khánh Thuận thi công, với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4-2011 công trình chỉ mới cơ bản xây xong phần nhà chính, còn các công trình phụ vẫn còn đang thi công.
Khác với công trình bệnh viện đa khoa Sông Hinh, thì công trình mở rộng bệnh viện Phú Lâm do Cty TNHH xây dựng Khánh Thuận thi công với 3 gói thầu và hoàn thành ngày 28-12-2010, nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn thì công trình này đến nay mới thi công đạt khoảng 50% khối lượng. Công trình chậm tiến độ không chỉ nhiều ở các bệnh viện mà các trường học hay các công trình thuỷ lợi ở Phú Yên cũng chậm tiến độ không kém, trong khi mùa lũ đang đến gần, các em học sinh cũng đang mong từng ngày có trường mới. Điều đáng nói ở đây là nguyên nhân chậm tiến độ không phải do việc chậm bàn giao giải phóng mặt bằng, hay chậm giải ngân, lý do chính là ở các đơn vị thi công không triển khai đúng tiến độ.
Phú Yên: Dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không muốn "vạch áo cho người xem lưng" - Ảnh 1
Công trình bệnh viện Phú Lâm

Chủ đầu tư không muốn "vạch áo cho người xem lưng"

Đáng lẽ khi chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải lựa chọn các yếu tố: năng lực tài chính và phương tiện kỹ thuật, trình độ chuyên môn và lực lượng thi công. Tuy nhiên, các trường hợp chậm tiến độ trên đều do trong quá trình chấm thầu, các chủ đầu tư chỉ chú trọng đến nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà chưa xem xét đầy đủ đến năng lực nhà thầu. Đến khi nhà thầu tổ chức thi công lộ ra những bất cập về năng lực như: thiếu vốn, thiếu phương tiện, thiếu nhân công nhất là lao động có tay nghề cao,vv... dẫn đến việc thi công chậm tiến độ.

Còn chủ đầu tư cũng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, công khai việc mình đã bị “lừa” nên cùng với chủ thầu tìm cách khống chế, biện minh cho việc chậm trễ ấy. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều công trình, nhiều dự án không chỉ riêng Phú Yên. Một thực tế nữa đáng quan tâm, đó là không ít nhà thầu cùng một lúc trúng thầu nhiều công trình, nhưng năng lực thì có hạn nên khi tổ chức thi công các công trình, thì lực lượng nhân công phải xé nhỏ. Dẫn đến các công trình mà đơn vị đó đảm nhận đều bị chậm tiến độ. Mặt khác, do thiếu vốn, bỏ thầu thấp đến khi thi công giá vật tư lại tăng mà nhà thầu lại không đủ tiền để mua được vật tư, sắt thép, xi măng,... nên một số nhà thầu phải bỏ của chạy lấy người.

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng trên, trước hết các nhà đầu tư nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, đây là nhân tố quyết định đến tiến độ thi công xây dựng công trình, mà trường hợp của Cty TNHH xây dựng Khánh Thuận cũng là một ví dụ điển hình. Hiện Công ty này đang thi công nhiều công trình cùng một lúc: công trình UBND huyện Đông Hoà, đài truyền hình Việt Nam chi nhánh Phú Yên, 3 gói thầu nâng cấp bệnh viện Phú Lâm... đều chậm tiến độ. Có dự án mà chủ đầu tư đã phải điều chỉnh tiến độ đến 2, 3 lần nhưng vẫn chậm.

Việc chậm tiến độ thi công, chậm đưa công trình vào sử dụng là lãng phí lớn tiền của Nhà nước và nhân dân, làm chậm sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cần phải xử nghiêm các nhà thầu có nhiều công trình chậm tiến độ, ngoài việc xử phạt thật mạnh theo hợp đồng, cũng như biện pháp chế tài mạnh, cần thiết phải chấm dứt hợp đồng giao cho đơn vị khác thi công, đồng thời không cho tham gia đấu thầu các công trình, dự án mới, tránh tình trạng tái diễn việc chậm tiến độ.
Theo Thuỳ Trang
Đại Đoàn Kết