Qualcomm muốn xây trung tâm R&D lớn thứ 3 thế giới tại Việt Nam
Qualcomm mong muốn xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ AI lớn tại Việt Nam. Đây là sẽ trung tâm R&D lớn thứ 3 trên toàn thế giới sau 2 trung tâm đang đặt ở Ấn Độ và Ireland.
Thông tin này được ông Jilei Hou, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật của Tập đoàn Qualcomm cho biết tại buổi tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ngày 16/4.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng hợp tác của Qualcomm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt nam "lớn" lên và cho biết Việt Nam khuyến khích hợp tác về nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị Qualcomm tiếp tục mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, đặc biệt tại NIC Hòa Lạc, để tận dụng các chính sách ưu đãi của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, AI và đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam; hỗ trợ đội ngũ kỹ sư Việt Nam tham gia các hoạt động nghiên cứu của Tập đoàn.
Ông Jilei Hou cho biết Qualcomm đã nghiên cứu, phân tích và mong muốn xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ AI lớn tại Việt Nam. Đây là sẽ trung tâm R&D lớn thứ 3 trên toàn thế giới (sau 2 trung tâm đang đặt ở Ấn Độ và Ireland).
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh dự kiến nêu trên của Qualcomm và cho rằng song song với đó, nên có một chương trình riêng của Tập đoàn hỗ trợ đào tạo STEM cho trẻ em Việt Nam để thế hệ trẻ được tiếp cận AI sớm hơn, góp phần đào tạo nhân tài từ sớm, từ xa.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Qualcomm nên tính đến tiềm năng mở rộng sản xuất tại Việt Nam vì Việt Nam hội tụ đầy đủ lợi thế như hệ sinh thái AI, bán dẫn tương đối tốt với nhiều tên tuổi đầu tư hàng đầu thế giới; chính trị ổn định và Chính phủ có chiến lược, cam kết rõ ràng về phát triển lĩnh vực này; thể chế ưu tiên trong đầu tư AI, bán dẫn; hạ tầng công nghệ đang được tập trung đầu tư mạnh; nguồn nhân lực dồi dào.
Qualcomm là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực viễn thông, thiết bị di động có giá trị vốn hóa khoảng 154 tỷ USD; hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực 5G, hoạt động theo mô hình sản xuất không sở hữu nhà máy (fabless), và mở rộng kinh doanh sang thiết kế, phát triển chip bán dẫn, phần mềm, dịch vụ cho các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô, máy tính, Internet vạn vật (IoT).
Tại Việt Nam, Qualcomm đã có 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. HCM cùng Trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu tiên ở Đông Nam Á tại Hà Nội vào năm 2020.
Theo báo cáo thường niên của Qualcomm, năm tài khóa 2024 (kết thúc ngày 29/9), hãng ghi nhận doanh thu gần 39 tỷ USD, lợi nhuận trên 10 tỷ USD. Các mức này tăng lần lượt 9% và 40% so với năm trước.
Về các thị trường, Việt Nam nằm vị trí thứ 2 khi góp 12% doanh thu của Qualcomm, tương đương 4,7 tỷ USD. Mức này tăng khoảng 0,1 tỷ USD so với năm tài khóa trước, nhưng chỉ bằng 77% so với 2022.
Đầu tháng 4 vừa qua, Qualcomm công bố đã mua lại Công ty cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Movian AI - bộ phận AI tạo sinh của VinAI, thuộc hệ sinh thái Vingroup. Giá trị thương vụ không được tiết lộ. MovianAI trước đây là bộ phận AI tạo sinh của Công ty cổ phần Ứng dụng và Nghiên cứu VinAI (VinAI) và là một phần của hệ sinh thái Vingroup.
Qualcomm cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, và Mobifone trong việc thiết kế, phát triển hạ tầng mạng 5G, thử nghiệm công nghệ 5G, và phát triển thiết bị AI camera thông minh.