Quảng Ngãi muốn sân bay quốc tế: Không hợp lý
Nếu nhà đầu tư tự bỏ tiền đầu tư chắc chắn không ai đầu tư khi còn mơ hồ về hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế hoặc biết lỗ mà vẫn làm.
Ngày 9/5, hàng loạt các báo trong nước thông tin việc tỉnh Quảng Ngãi xin chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn.
Theo đề xuất, Cảng xây dựng theo cấp sân bay 4C, đường cất hạ cánh 2.400 m, phục vụ hàng không dân dụng và dự kiến lượng khách từ 3 đến 3,5 triệu lượt khách/năm, đáp ứng máy bay A320, 321.
Đảo Lý Sơn. Ảnh: Du lịch Việt Nam |
Trước đề xuất trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM đưa ra một vài so sánh và cho thấy sự bất cập, bất hợp lý của việc làm sân bay quốc tế tại khu vực này.
Thứ nhất, theo dữ liệu quốc gia, đảo Lý Sơn có diện tích 10,39 km2, dân số hơn 22 nghìn người, nếu tính trung bình, một người dân Lý Sơn phải phục vụ được tới hơn 136 khách/năm. Điều này là không tưởng, vì thế, với số dân trên rất khó có thể tạo ra đủ năng lực để phục vụ tới hơn 3 triệu lượt khách du lịch/năm theo như dự kiến.
Thứ hai, thiếu cơ sở khoa học dự báo nguồn khách đến Lý Sơn. Ông lấy ví dụ như sân bay quốc tế Cần Thơ, năm 2020 đón hơn 2,2 triệu khách (gồm cả khách quốc tế và khách quốc nội), vậy Lý Sơn đưa ra dự báo nguồn khách từ 3 - 3,5 triệu khách/năm dựa trên cơ sở nào?
Thứ ba, nhiều địa phương đang lạm dụng chủ trương BOT, nhất là trong lĩnh vực hàng không. Vị chuyên gia phân tích, hiện Việt Nam có tới 22 sân bay nhưng gần đây chỉ có 6 sân bay có lãi, 16 sân bay còn lại lỗ liên tục.
Nếu là một nhà đầu tư tư nhân, tự bỏ tiền đầu tư, chắc chắn không ai đầu tư khi còn mơ hồ về hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế hoặc biết lỗ mà vẫn làm.
Mặt khác, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực hàng không phải hết sức thận trọng vì còn liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng.
"Chúng ta cần phải nhìn vào thực tế là đã có người nước ngoài dùng tiền thuê người Việt mua nhà, BĐS tại các khu vực đất quốc phòng, kế cận sân bay… mà nhiều nơi đã phải thu hồi, có nơi đến giờ vẫn chưa khắc phục xong hậu quả. Phải rút kinh nghiệm từ việc đó", PGS Nguyễn Thiện Tống nhắc nhở.
Phục vụ du lịch bằng đường bay tầng thấp
Mặc dù nghi ngờ về chủ trương đầu tư sân bay quốc tế của Quảng Ngãi nhưng vị chuyên gia lại tỏ ra lạc quan nếu chuyển hướng đầu tư sân bay nhỏ, phục vụ máy bay nhỏ.
Theo định hướng này, đường băng được xây dựng chỉ dài từ 600 - 1000 m, rộng khoảng 15 - 20 m, đủ để phục vụ việc cất hạ cánh của các máy bay nhỏ, máy bay vận chuyển ít người (khoảng dưới 20 người). Chi phí xây dựng đường băng cất hạ cánh dài 600 m rộng 15 m thấp nhất có thể chỉ 100.000 USD. Chi phí xây dựng sân bay nhỏ với đường cất hạ cánh dài 1000 m rộng 20 m có thể cao khoảng 10 triệu USD, tùy vật liệu xây dựng và trang thiết bị.
Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, nếu đầu tư sân bay nhỏ sẽ có nhiều ưu điểm sau:
Một, nguồn vốn đầu tư thấp (chỉ khoảng từ vài chục triệu cũng có thể làm được sân bay nhỏ). Phần vốn tiết kiệm được có thể tập trung đầu phát triển giao thông thủy, đây mới là lợi thế lớn của Lý Sơn. Nếu có nhiều loại hình giao thông đi lại ra Lý Sơn, khách du lịch, người dân cũng có nhiều lựa chọn. Ai có tiền đi máy bay, ai muốn đi ngắm cảnh có thể chọn tàu cao tốc...
Hai, sử dụng linh hoạt, bay nhiều chuyến, phục vụ đa mục đích từ du lịch, dân sự, quân sự, tới cứu thương. Việc này vừa giúp du lịch phát triển, vừa tạo điều kiện thuận lợi khi xử lý các tình huống khẩn cấp như đưa người vào đất liền cấp cứu...
Ba, hình thành mạng lưới liên kết sân bay nhỏ giữa các địa phương, tổ chức các chuyến bay ngắn, bay nhiều chuyến đưa khách du lịch đi lại trong ngày, đi từ tỉnh này này tới tỉnh khác vừa kinh tế vừa an toàn.
Bốn, hỗ trợ an toàn an ninh quốc gia; huấn luyện phi công máy bay nhỏ với trải nghiệm thực tế rồi có thể tuyển dụng một số để đào tạo thêm cho nhu cầu phi công quân sự.
Với định hướng này, PGS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, các địa phương không nên chăm chăm xin sân bay lớn mà nên tập trung phát triển sân bay nhỏ, phục vụ máy bay nhỏ vừa khả thi vừa hiệu quả.
Theo ông Tống, các địa phương nên nghiên cứu mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho dòng máy bay chuyên dùng dưới 20 chỗ ngồi, phục vụ nhu cầu du lịch hoặc cứu thương, an ninh quốc phòng…
“Việt Nam có rất nhiều sân bay quân sự do lịch sử để lại hiện đang hoạt động rất ít, các địa phương có thể chuyển kết hợp thành sân bay lưỡng dụng nhưng quy mô nhỏ, phục vụ du lịch, giao thương điểm nối điểm, kết nối giữa các địa phương mà không cần trung gian qua các sân bay lớn tại các TP lớn”, ông Tống khuyến nghị.