Quốc gia rộng gấp 7 lần Việt Nam tái xây dựng tòa nhà chọc trời 1.000m cao nhất thế giới sau nhiều năm trì hoãn
Quá trình xây dựng tòa nhà chọc trời này đã bị tạm dừng vì nhiều lý do cách đây 6 năm, khi đó khoảng 1/3 công trình đã hoàn thành.
Sau nhiều năm trì hoãn, công trình xây dựng tháp Jeddah, tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, đã được khởi động lại vào đầu tháng 5 tại Arab Saudi.
Trước đây gọi là tháp Kingdom, tòa nhà này sẽ cao 1.000 mét sau khi hoàn thành, trở thành công trình đầu tiên trên thế giới đạt độ cao một kilomet. Đây là một phần trong chương trình phát triển kinh tế đầy tham vọng trị giá gần 20 tỷ USD gần Biển Đỏ và nằm trong số các siêu dự án đang diễn ra tại Arab Saudi, theo Newsweek.
Với chi phí 1,2 tỷ USD, tháp Jeddah do công ty kiến trúc Adrian Smith + Gordon Gill Architecture ở Chicago thiết kế, bao gồm tổ hợp khách sạn sang trọng, văn phòng, khu cho thuê ngắn hạn và căn hộ. Ngày 9/5, công ty kiến trúc đã xác nhận với Newsweek rằng quá trình xây dựng đã được nối lại. Tên gọi hiện nay của tháp lấy từ vị trí của nó ở Jeddah, thành phố cảng lớn bên Biển Đỏ và là thành phố đông dân thứ hai của Arab Saudi.
Khởi công vào năm 2013, quá trình xây dựng tạm dừng vào năm 2018 khi nhà thầu chính, Binladin Group, bị loại sau khi chủ tịch công ty, Bakr bin Laden, anh trai cùng cha khác mẹ của Osama bin Laden, bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Dự án tiếp tục bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19.
Khi quá trình xây dựng dừng lại cách đây 6 năm, khoảng 1/3 công trình đã hoàn thành, theo Architectural Digest. Bộ khung chưa hoàn chỉnh của tòa nhà đã đứng sừng sững ở Jeddah từ đó. Khi hoàn thành, tháp Jeddah sẽ cao hơn tháp Burj Khalifa ở Dubai 152 mét, trở thành tòa nhà cao nhất thế giới. Nó cũng cao gấp đôi tòa nhà Empire State ở New York và gấp 7 lần tượng Nữ thần Tự do.
Tòa nhà sẽ có đài quan sát lớn nhất thế giới và hệ thống thang máy cao cấp gồm 59 thang vận hành với tốc độ 10 m/s. Hình dáng ba cánh độc đáo của tháp tối ưu hóa không gian cho cư dân và tầm nhìn từ cửa sổ, trong khi thiết kế vát dần từ chân tới đỉnh giúp giảm lực cản gió ở độ cao lớn.
Công ty kiến trúc dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong vòng 4-5 năm tới và nhà thầu mới sẽ được công bố sau vài tuần nữa. Dự án này nằm trong sáng kiến Tầm nhìn 2030 của Arab Saudi, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế thay vì chỉ tập trung vào dầu mỏ và tăng cường các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và du lịch.
Arab Saudi có diện tích hơn 2,1 triệu km2, rộng gấp gần 7 lần lãnh thổ Việt Nam, nhưng 95% diện tích của quốc gia này là sa mạc. Đây là quốc gia rộng lớn thứ hai trong thế giới Ả Rập, chỉ sau Algeria.
Arab Saudi là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, khai thác nhiên liệu từ mỏ dầu lớn nhất hành tinh mỗi ngày và nắm giữ nguồn dự trữ dầu mỏ phong phú nhất toàn cầu.
Ngoài dầu mỏ và sa mạc, Arab Saudi còn nổi tiếng với ngành du lịch đang phát triển. Theo Reuters, quốc gia Hồi giáo này đang đẩy mạnh chiến dịch phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.
*Theo Newsweek