Quý 1/2022, VPBank đạt lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán

Quý 1/2022, VPBank đã đạt 11.146 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trở thành quán quân về lợi nhuận trong các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Quý 1/2022, VPBank đạt lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán - Ảnh 1

Lợi nhuận kỷ lục trong một quý

Lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng đột biến tới 178,% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Điều này giúp VPBank vượt mặt Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và CTCP Tập đoàn Hòa Phát nếu xét về lợi nhuận trước thuế.

Trong quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 9.950 tỷ đồng còn Tập đoàn Hòa Phát là 8.922 tỷ đồng; tăng lần lượt 15,3% và 16% YoY.

Với 11.146 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận từ trước đến nay. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%, cùng với đó là và sự phục hồi của FE Credit.

Đóng góp chính cho lợi nhuận đột biến là lãi từ hoạt động khác khi tăng 801,6% YoY, tương đương 6.322 tỷ đồng. Chủ yếu là khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.

Ở các khoản mục thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng lần lượt 8,4% và 26,5% YoY, đóng góp lần lượt 9.888 tỷ đồng và 1.249 tỷ đồng trong tổng thu nhập của VPBank.

Dường như VPBank chưa có duyên với kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh. Ở hai chỉ tiêu này, ngân hàng đều ghi nhận mức lỗ 83 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, hai chỉ tiêu này vẫn ghi nhận mức lỗ 44 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1/2022, tổng thu nhập đạt 18.270 tỷ đồng, tăng 65,3% YoY nhưng chi phí hoạt động chỉ tăng 15,4% YoY, đạt 2.991 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm 7,2%, đạt 4.132 tỷ đồng đã giúp VPBank đạt 11.146 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 7.140 tỷ đồng, tương đương 178,2% YoY.

Với kết quả này, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt 95.202 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 4 trong các ngân hàng niêm yết, chỉ sau Vietcombank, Techcombank và VietinBank.

Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của VPBank đạt 563.924 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; tiền gửi của khách hàng đạt 274.149 tỷ đồng, tăng 13,4%; cho vay khách hàng đạt 374.457 tỷ đồng, tăng 5,4%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,83%, tăng so với mức 4,47% ở thời điểm đầu năm nay. 

Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của VPBank trong quý 1/2022 (đơn vị tính: tỷ đồng, %).  
Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của VPBank trong quý 1/2022 (đơn vị tính: tỷ đồng, %).  

Kế hoạch lợi nhuận tăng 107%, phát triển ngân hàng hàng đầu tư

Với kết quả kinh doanh bứt phá trong quý 1/2022, đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của VPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh lợi nhuận trước thuế trong năm nay đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Chia sẻ với nhà đầu tư về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh thừa nhận đây sẽ là một kế hoạch thách thức, tuy nhiên VPBank đang có những yếu tố thuận lợi để biến mục tiêu tăng trưởng này thành hiện thực.

“Tại sao chúng tôi lại đưa ra một mục tiêu lớn như vậy? Thứ nhất, chúng tôi cho rằng nhu cầu thị trường của nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn sẽ tăng trở lại, đặc biệt là nhờ các chiến lược của Chính phủ trong hỗ trợ phục hồi kinh tế với hàng trăm nghìn tỷ đồng được đưa vào thị trường. Thứ hai, VPBank với một nền tảng vững chắc, hệ thống sẵn sàng, sẽ có khả năng cho tăng trưởng cao”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm, nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, 5 năm sau sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư. VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường này. “Chúng tôi nhận thấy cơ hội cho ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp là rất lớn”, ông Nguyễn Đức Vinh kết luận.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và Cuộc sống