Quý 1, TPBank báo lãi trước thuế đạt 1.623 tỷ đồng
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) báo lãi trước thuế hơn 1.623 tỷ đồng, chỉ tăng 14% so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ, giúp ngân hàng có tăng trưởng khá dù phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Thu nhập lãi thuần quý 1 của ngân hàng đạt 2.831 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 81% lên 511 tỷ đồng với đóng góp lớn nhất là từ hoạt động thanh toán, hoạt động kinh doanh, tư vấn bảo hiểm. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng khả quan, có lãi 32 tỷ đồng trong khi cùng kỳ bị lỗ 2 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại sụt giảm 70%, chỉ ghi nhận lãi 81 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 160 tỷ đồng trong khi cùng kỳ bị lỗ 15 tỷ đồng.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 3.615 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 25,7% lên 1.237 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập hoạt động) được cải thiện, giảm từ 35,2% xuống mức 34,2%.
Thêm nữa, quý này, TPBank dành ra hơn 755 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với kế hoạch 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm, TPBank mới chỉ thực hiện được gần 20% sau quý đầu năm.
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản ngân hàng tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 302.622 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, TPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 36% so với năm 2021, đạt 8.200 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Tổng giá trị huy động đạt 292.579 tỷ đồng, tương đương tăng 12%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15% và đạt mức trên 201.000 tỷ đồng. Dư nợ dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng, trong mức quy định cho phép của NHNN. Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống, năm 2022, TPBank tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này ở mức thấp dưới 1,5%.
TPBank đã thông tin về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chương trình cho người lao động (ESOP) với tổng tỷ lệ 34% để tăng vốn điều lệ. Bằng kế hoạch phát hành hơn 532 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau khi tăng sẽ đạt trên 21.142 tỷ đồng, chạm gần tới mức 1 tỷ USD quy đổi.