TPBank huy động thêm 4.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu để phát triển tín dụng
Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản và nhằm phát triển hoạt động tín dụng của TPBank.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, ngày 2/12, TPBank thông báo đã chào bán thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm với mệnh giá 100.000.000VNĐ/1 trái phiếu.
Lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm được tính với lãi suất cố định 2,6%/năm. Ngày phát hành là 29/11/2021, ngày đáo hạn là 29/11/2024. Lô trái phiếu kỳ hạn 4 năm được tính với lãi suất cố định 3,8%/năm. Mục đích phát hành hai lô trái phiếu này để phát triển hoạt động tín dụng của TPBank.
Báo cáo kết quả phát hành cho biết mỗi lô trái phiếu đã được mua trọn bởi một công ty chứng khoán tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ đây có phải hai công ty khác nhau hay không.
Cụ thể, hôm 22/11 TPBank chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, sau đó một ngày tiếp tục chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Cả hai lô trái phiếu này được tính lãi suất cố định 3,2%/năm.
Mỗi một lô trái phiếu cũng được mua bởi 1 công ty chứng khoán, song trong báo cáo không nêu rõ đây có phải là hai công ty khác nhau hay không.
Đáng chú ý, toàn bộ trái phiếu của TPBank phát hành đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản.
Như vậy, chưa đến 10 ngày, TPBank đã huy động thêm 4.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhằm phát triển hoạt động tín dụng.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, TPBank ghi nhận 1.462 tỷ đồng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư, tăng 156% so với cùng kỳ và đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, tính đến 30/9/2021 lượng phát hành giấy tờ có giá tại TPBank tăng 15% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận 31.528 tỷ đồng. Chủ yếu là trái phiếu trung hạn.
Đến cuối tháng 9/2021, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của TPBank đạt trên 53.800 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác phát hành tăng 36% lên 22.087 tỷ đồng, chiếm 41% tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; chứng khoán chính phủ ghi nhận hơn 18.000 tỷ đồng, chiếm gần 34% và lượng trái phiếu doanh nghiệp tại TPBank tăng 20% lên 13.488 tỷ đồng, chiếm 25% tổng giá trị đầu tư.
Thông tư 16, siết chặt việc "bán giấy gọi tiền"
Theo thống kê của FiinGroup, các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư mua chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3%.
Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Thông tư 16 được ban hành. Theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16), tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.
Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Cũng theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Thêm quy định nữa, đó là trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã mua.
Tính đến ngày 30/09/2021, tổng nợ xấu TPBank giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 1.378 tỷ đồng. Có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 10% lên hơn 729 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ (tăng 5% lên hơn 346 tỷ đồng). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,18% đầu năm xuống còn 1,04%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vậy nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của TPBank sẽ có sự thay đổi lớn, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhà băng.
Cụ thể, tính đến 30/9/2021 các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán tại TPBank tăng 36% so với đầu năm, lên gần 27.099 tỷ đồng. Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C tăng 51%, bảo lãnh vay vốn tăng 3% và bảo lãnh khác tăng 34%. Do đó, nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng của TPBank chiếm 20%.
Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng... Dù nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro.