Quy định mới 'rút ngắn con đường’ cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ năm 2025
Quy định cụ thể về cách cấu trúc, phân loại việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân được chia làm 4 trường hợp rõ ràng, tránh tình trạng nhũng nhiễu người dân.
Luật Đất đai 2024 sẽ có nhiều điểm mới trong đó một trong những điểm đáng chú ý chính là cách cấu trúc, phân loại việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho cá nhân, được chia làm 4 trường hợp dựa trên tình trạng pháp lý của thửa đất đề nghị cấp giấy.
Việc thông tin được quy định rõ ràng sẽ giúp "con đường" cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân được thuận lợi và hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực do lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân.
Cụ thể 4 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Người sử dụng đất có Giấy tờ về quyền sử dụng đất
Theo đó, tại Điều 137 Luật Đất đai 2024, những Giấy tờ về QSDĐ được liệt kê chi tiết tập trung, thay vì phân tán và rải rác trong nhiều Nghị định và Thông tư như trước đây.
Người dân khi có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận QSDĐ chỉ cần tìm kiếm những giấy tờ hiện có hoặc đề nghị UBND cấp xã nơi có đất cung cấp, sau đó đối chiếu tài liệu đó với giấy tờ được Luật liệt kê để biết mình thuộc trường hợp nào.
Trường hợp 2: Người sử dụng đất không có giấy tờ về QSDĐ và không thuộc trường hợp có vi phạm pháp luật và giao đất không đúng thẩm quyền.
Nếu đã trải qua quá trình tìm kiếm mà người sử dụng đất không tìm được giấy tờ pháp lý nào về thửa đất được liệt kê tại Điều 137, đất này không phải đất lấn chiếm, không phải đất do xã, HTX, thôn giao không đúng thẩm quyền thì đất của gia đình thuộc trường hợp cấp sổ theo Điều 138 Luật đất đai năm 2024.
Tiêu biểu trong trường hợp này là người dân sử dụng lâu đời nhưng cơ quan chức năng vì lý do gì đó vẫn chưa thống kê, quản lý bằng các giấy tờ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp 3: Người sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước 1/4/2014.
Theo đó, người sử dụng đất có vi phạm luật đất đai có thể được hiểu là nguồn gốc hình thành thửa đất, là do người sử dụng đất thực hiện hành vi phạm lấn, chiếm đất công cộng, hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đất nông lâm trường quốc doanh, đất lấn chiếm của các chủ thể khác hiện không còn tranh chấp mà có. Trường hợp này được nêu cụ thể tại Điều 130 Luật Đất đai 2024.
Trường hợp 4: Người sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền.
Thẩm quyền giao đất theo các quy định của Luật Đất đai thuộc về UBND cấp huyện trở lên. Nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức như đơn vị lực lượng vũ trang, nông lâm trường, HTX, cấp thôn, UBND cấp xã, đây là cơ quan không có thẩm quyền giao đất. Đất hộ gia đình cá nhân do các tổ chức trên đã giao, thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.
Trường hợp này đã được nêu cụ thể tại Điều 140 Luật Đất đai 2024.
Trước đó, Luật Đất đai 2013 chỉ liệt kê 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất tại điều 100, trường hợp thứ 2 tại điều 101, còn trường hợp thứ 3 và thứ 4 được liệt kê tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP và trong nhiều Thông tư của Bộ tài nguyên và Môi trường.
Chỉ đến khi Luật Đất đai 2024 được ban hành, các trường hợp được cấp giấy chứng nhận mới được nêu cụ thể và rõ ràng.
Đây được xem là điểm mới quan trọng khi đa số người dân, việc tiếp cận với hệ thống luật liên quan đến đất đai nếu có chỉ chủ yếu thông qua các bộ Luật.
Do đó, việc nêu rõ 4 trường hợp cấp giấy chứng nhận giúp người dân không mất nhiều thời gian công sức đi tra cứu hay tìm kiếm các văn bản để biết được đất mình đang sử dụng sẽ được cấp thuộc trường hợp nào.
Khi người dân xác định được mảnh đất của mình thuộc nhóm trường hợp nào thì sẽ chuẩn bị hồ sơ, áp dụng trình tự cũng như các thủ tục phù hợp, biết được nghĩa vụ tài chính trong việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
Việc người dân am hiểu về biết về những thông tin này sẽ giúp cho "con đường" cấp Giấy chứng nhận QSDĐ được thuận lợi, hạn chế nhiều tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực do lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân.