Quy hoạch Đồng bằng sông Hồng: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ
Tính đến năm 2023, Vùng đồng bằng sông Hồng đóng góp gần 30,4% tổng GDP, khoảng 36% kim ngạch xuất khẩu và 38% thu ngân sách của cả nước, theo đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của Vùng khoảng 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ một số nội dung, ý nghĩa cũng như những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của bản quy hoạch cần thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phát huy nhanh, hiệu quả được các giá trị truyền thống kết hợp với khai thác các cơ hội mới, bắt kịp xu thế của thế giới thông qua việc tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực.
Đồng bằng sông Hồng là địa bàn cốt lõi, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vùng được coi là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ về cả đường bộ, đường biển, đường thủy, đường hàng không, đường sắt với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua.
Đồng bằng sông Hồng, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước, có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, văn hiến và anh hùng.Trong thời gian qua, mặc dù, phải đối mặt với các tác động tiêu cực đến từ bối cảnh phát triển trong nước và quốc tế như: suy giảm kinh tế toàn cầu, ngân sách nhà nước hạn hẹp, biến đổi khí hậu… song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, Đồng bằng sông Hồng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Tính đến năm 2023, vùng Đồng bằng sông Hồng đóng góp gần 30,4% tổng GDP, khoảng 36% kim ngạch xuất khẩu và 38% thu ngân sách của cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2023 khoảng 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước.Vùng có hạ tầng phát triển bậc nhất, hệ thống đô thị và các cơ sở kinh tế tương đối mạnh; trong đó, Thủ đô Hà Nội được xếp vào đô thị loại đặc biệt của cả nước. Nội vùng và xung quanh vùng đang được hình thành, thúc đẩy kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với các vùng lân cận, tạo thành các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng đồng bộ, hiện đại, ngang tầm quốc tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng thời gian qua chưa thực sự ổn định và chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu sự vững chắc, trình độ công nghệ còn thấp, hiệu suất phát triển chưa cao, doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.
Cùng với đó, tổ chức không gian, bố trí lãnh thổ còn bộc lộ nhiều bất hợp lý, đặc biệt sự quá tải tại các khu vực đô thị, nhất là ở nội đô Hà Nội, Hải Phòng. Diện tích đất tự nhiên nhỏ là một trong những hạn chế đối với sự phát triển và bố trí lại không gian phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ quy hoạch. Ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường… cũng là những khó khăn thách thức vùng Đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xác định rõ quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn; đồng thời, tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển…,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học và đúng quy định. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 6 chữ "Truyền thống - Liên kết - Bứt phá" để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, về truyền thống, vùng Đồng bằng sông Hồng có "quá nhiều" những giá trị truyền thống về mọi mặt là lợi thế lớn, nhưng cũng là thách thức lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó, đặc biệt là thoát ra khỏi tư duy phát triển "cũ" có tính truyền thống, xác lập tư duy phát triển mới tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.
Nội dung về liên kết vùng trong Bản quy hoạch đã tập trung vào: phát triển hạ tầng kết nối vùng, bao gồm cả kết nối song phương giữa các tỉnh, thành phố, ưu tiên gắn với các hành lang quan trọng của vùng. Cùng với đó, là xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất và bảo đảm an ninh nguồn nước liên tỉnh; chú trọng các giải pháp hiệu quả để ứng phó với diễn biến hạ thấp mực nước trên hệ thống sông của vùng và hồi sinh các dòng sông như: sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, Bắc Hưng Hải... Tiếp đến là phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối trong việc sử dụng nguồn lực nhà nước; kiến tạo hệ sinh thái tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư (là những chủ thể chính) đẩy mạnh và thực hiện liên kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong vùng và hạn chế các xung đột, triệt tiêu động lực của các địa phương trong mối quan hệ hữu cơ với nhau", Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho hay. Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch vùng cần có sự bứt phá trong việc tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt, nói cách khác chính là thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển gắn liền với các đặc thù của vùng, phát huy được các giá trị truyền thống, song phải đổi mới mạnh mẽ, hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển.
Theo đó, Quy hoạch xác định trọng tâm và đột phá phát triển chủ yếu, bao gồm: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp; hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo; đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu thương mại tự do với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực.