Quý I của FECON: Chỉ lãi trước thuế chỉ 4 tỷ nhưng đã tăng trưởng bằng lần

So với kế hoạch kinh doanh năm 2025, tới thời điểm kết quý I/2025, FECON mới hoàn thành 16,4% mục tiêu doanh thu và 0,5% mục tiêu lợi nhuận.

Chân vẫn trong vũng lầy

Chỉ ít ngày sau khi tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên - nơi đề ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng: doanh thu 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 200 tỷ đồng, FECON đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với kết quả khá thất vọng.

Công bằng mà nói, doanh thu thuần của FECON không tệ: 820 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn được khống chế, giúp biên lãi gộp đứng vững ở mức 15,8%, tương đương lãi gộp đạt 131 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Dù vậy, hoạt động tài chính suy giảm khá mạnh với chỉ 6 tỷ đồng doanh thu, giảm 35%. Trong khi đó, các loại chi phí tăng khá mạnh: chi phí tài chính tăng 39% (đạt 67 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng 29% (đạt 7 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 9% (đạt 54 tỷ đồng).

Đã vậy, FECON còn “ăn” 2 khoản phạt vi phạm hợp đồng và phạt thuế, bảo hiểm xã hội, vi phạm hành chính, dẫn đến khoản lỗ khác 4 tỷ đồng.

Hệ quả là lợi nhuận trước thuế bị “bào” chỉ còn 4,2 tỷ đồng. Trừ thêm thuế, lợi nhuận còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước và sau thuế của FECON đã tăng lần lượt gấp 2,6 lần và 65%. Điều này phản ánh FECON vẫn chưa rút được chân khỏi tình trạng yếu ớt về lợi nhuận, vốn đã duy trì từ quý I/2023 tới nay. Để rõ hơn, con số lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ quý I/2025 là số âm (-6,5 tỷ đồng).

So với kế hoạch kinh doanh năm 2025, tới thời điểm kết quý I/2025, FECON mới hoàn thành 16,4% mục tiêu doanh thu và 0,5% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thanh - Thành viên HĐQT FECON, cho biết backlog chuyển tiếp từ năm 2024 sang năm 2025 của công ty là khoản 2.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, công ty đã ký mới được 1.300 tỷ đồng nữa. Do vậy, kế hoạch kinh doanh năm nay đặt ra là khả thi.

Giám đốc Tài chính FECON Nguyễn Thị Nghiên nói thêm rằng mảng thi công sẽ đóng góp 55 tỷ đồng, còn mảng đầu tư sẽ đóng góp 145 tỷ đồng về lợi nhuận.

Nếu bám theo các giải thích này, kết quả quý I/2025 chưa phản ánh đầy đủ khả năng hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh năm nay của FECON và cổ đông vẫn có quyền kỳ vọng.

Nặng gánh nợ vay

Tổng tài sản của FECON khi kết thúc quý I/2025 đã tăng thêm 2% so với đầu năm, lên 9.904 tỷ đồng. Điều này là do sự gia tăng của hàng tồn kho (tăng 13% lên 1.900 tỷ đồng), chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn (tăng 5% lên 1.046 tỷ đồng) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (tăng 5 lần lên 185 tỷ đồng).

Trong khi đó, cơ cấu tài sản ghi nhận sự sụt giảm nhẹ của các khoản phải thu (giảm 0,7% xuống 4.168 tỷ đồng) và tiền (giảm 41%).

Chất lượng tài sản của FECON không đến nỗi nào, với tỷ trọng của các khoản phải thu chỉ vào khoảng 42% - mức chấp nhận được với các doanh nghiệp xây lắp, lại đang trong quá trình mở rộng đầu tư.

Tuy vậy, nỗi lo là không nhỏ khi FECON vẫn “lạm dụng” đòn bẩy. Nợ phải trả tại ngày 31/3/2025 đạt 6.546 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay là 4.020 tỷ đồng, tăng 3%.

Ghi nhận cho thấy dòng tiền đi vay quý I/2025 của FECON đã tăng tới 59% so với cùng kỳ năm trước, lên 974 tỷ đồng. Hệ quả là chi phí tài chính tăng lên và riêng quý I/2025, FECON đã chi trả lãi vay hơn 73 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên do khiến lợi nhuận của công ty bị “ăn mòn” dữ dội.

Tất nhiên, với vốn chủ sở hữu khá dày, 3.358 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của FECON vẫn “đẹp”, chỉ 1,95 lần.

 

Lê Nguyễn

Theo Vietnamfinance