Quý II/2021: Lợi nhuận doanh nghiệp ngành bảo hiểm đầy biến động
Lợi nhuận tại loạt doanh nghiệp bảo hiểm trong quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm lao dốc và nguyên nhân vì hoạt động đầu tư tài chính kém hiệu quả.
Loạt doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận
Theo thống kê từ BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại 11 doanh nghiệp bảo hiểm thì có tới 7/11 doanh nghiệp có lợi nhuận quý 2 sụt giảm đáng kể.
Đáng chú ý, nguyên nhân lớn khiến lợi nhuận tại doanh nghiệp bảo hiểm 'lao dốc' do hoạt động tài chính kém khả quan. Điều này hoàn toàn trái ngược với quý 1/2021 bởi đầu tư tài chính từng là cứu cánh giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm 'thăng hoa'.
Đầu tiên phải kể tới "ông lớn" Tập đoàn Bảo Việt (BVH) vẫn ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh quý 2/2021 đạt 9.514 tỷ đồng, tăng gần 16% so với quý 2 năm ngoái, trong đó riêng doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt 9.300 tỷ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ). Trừ chi phí, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi dương 182 tỷ đồng, trong khi quý 2 năm ngoái âm 471 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của BVH lại giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 443 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 18%, còn 2.101 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý tăng 37%, lên gần 1.194 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh, trong quý 2/2021, CTCP Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare – VNR) ghi nhận doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm giảm 11% so với cùng kỳ, còn hơn 408 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu phí nhận tái bảo hiểm giảm 20%, còn gần 648 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty không còn được hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư vào công ty con gần 45 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 36%, còn hơn 66 tỷ đồng dù doanh thu tài chính tăng 48%.
Nguyên nhân chính khiến lãi ròng của VNR giảm 30% so với cùng kỳ, còn hơn 68 tỷ đồng là do lợi nhuận hoạt động tài chính giảm, cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2,8 lần cùng kỳ, lên hơn 24 tỷ đồng.
Tương tự như VNR, BVH, lợi nhuận quý 2/2021 tại Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (BLI) sụt giảm do hoạt động tài chính.
Cụ thể, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 2 tăng 12%, đạt gần 266 tỷ đồng nhờ doanh thu phí bảo hiểm tăng 13%, đạt 363 tỷ đồng.
Đáng chú ý, BLI ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 29 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ. Đồng thời, BLI hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán ít hơn 19 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến lợi nhuận hoạt động tài chính còn hơn 29 tỷ đồng, giảm 38% so cùng kỳ.
Do lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đi ngang nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính của BLI giảm đáng kể nên lợi nhuận trước và sau thuế của BLI cùng giảm 37% so với cùng kỳ, lần lượt còn gần 27 tỷ đồng và 22 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC) có mức lợi nhuận giảm mạnh nhất.
Cụ thể, trong quý 2/2020, AIC được hoàn nhập khoản dự phòng đầu tư tài chính nhờ thu được khoản đầu tư quá hạn từ kỳ trước. Tuy nhiên, sang quý 2/2021, AIC không còn khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính này nữa. Thay vào đó, AIC phải chịu chi phí tài chính hơn 7 tỷ đồng cùng với doanh thu tài chính sụt giảm 39% khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính giảm mạnh 79% so với cùng kỳ, còn hơn 12 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế tại AIC giảm 96% so với cùng kỳ, còn hơn 1 tỷ đồng.
Tại Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2 giảm 59%, còn hơn 28 tỷ đồng, chủ yếu do không còn hoàn nhập chi phí tài chính.
... Vẫn có doanh nghiệp đạt tăng trưởng
Bên cạnh những doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận quý 2 giảm sút, thì cũng không ít các doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng trong quý 2.
Chẳng hạn tại Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) báo lãi sau thuế quý 2 đạt 106 tỷ đồng, tăng 58% so với quý 2/2020.
Lợi nhuận quý 2 tăng mạnh do lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PGI đạt gần 215 tỷ đồng, tăng 29% nhờ chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 5%, còn hơn 564 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 22% lên 28%.
Đồng thời, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính đạt gần 20 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận khác tăng mạnh, gấp 7,9 lần cùng kỳ, lên gần 3 tỷ đồng nên sau khi trừ đi chi phí quản lý (tăng 3%), PGI mới ghi nhận lợi nhuận ấn tượng.
Tương tự, tại CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIG) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 đạt 79 tỷ đồng, tăng trưởng gần 54% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính, chủ yếu từ phí ủy thác đầu tư tăng gấp 3,1 lần cùng kỳ, đạt hơn 4 tỷ đồng nên dù chi phí quản lý có tăng 12% nhưng MIG vẫn ghi nhận lãi.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tại PTI, ABI, AIC sụt giảm
Mặc lợi nhuận quý 2 ảm đạm tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhưng nhờ kết quả khởi sắc của quý 1 giúp lợi nhuận bảo hiểm 6 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế tại VNR đạt hơn 181 tỷ đồng lãi ròng, tăng 52% so với cùng kỳ; tại PGI tăng 49% lên 163 tỷ dồng, tại BVH tăng 45% lên gần 942 tỷ đồng; tại MIG đạt 116 tỷ đồng, tương đương tăng 44%;...
Ở chiều ngược lại, vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm 'ngậm ngùi' báo lãi giảm như: PTI có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm, giảm 18% so với cùng kỳ, còn hơn 96 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính giảm 5% và 13% lợi nhuận.
Tiếp đến là lợi nhuận sau thuế tại AIC giảm 2%, còn hơn 3 tỷ đồng do lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 28% và chi phí quản lý tăng 46%.
Cùng hoàn cảnh, Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PRE) báo lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm 12%, còn gần 65 tỷ đồng chủ yếu do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm 20% trong khi hoạt động tài chính có lợi nhuận đi ngang.