Sacombank: Lợi nhuận tăng nhẹ, ráo riết rao bán tài sản xử lý nợ xấu

Kết thúc quý 1/2021, nợ phải trả tại Sacombank gấp gần nhiều lần vốn chủ sở hữu, trong khi lợi nhuận chỉ tăng nhẹ. Sacombank hiện đang ráo riết rao bán loạt bất động sản giá khủng nhưng vẫn chưa 'dứt tình' tại VAMC.

Nợ phải trả gấp gần 16 lần vốn chủ sở hữu

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC)hợp nhất quý 1/2021 với lợi nhuận trước và sau thuế tăng nhẹ 1% và 2%, đạt hơn 1.000 tỷ đồng và hơn 801 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận tại Sacombank chỉ tăng nhẹ là do quý 1/2021 chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng  tăng 14% so với cùng kỳ, ở mức 476 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng trưởng 5%, đạt gần 1.476 tỷ đồng. Hơn nữa, chi phí hoạt động tại Sacombank tăng 8%, ghi nhận 2.669 tỷ đồng

Kết thúc quý 1/2021, thu nhập lãi thuần tại Sacombank tăng 6% so với cùng kỳ, lên mức hơn 3.008 tỷ đồng. Trong khi đó, các hoạt động ngoài lãi đem về kết quả tăng trưởng lớn như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 16%, ghi nhận hơn 837 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng đến 91%, đem về khoản lãi hơn 34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kinh doanh ngoại hối tại Sacombank giảm 11% so với cùng kỳ, còn 207 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác cũng giảm 18% xuống còn 58 tỷ đồng.

Nếu so với kế hoạch 4.000 tỷ đồng lãi trước thuế đã được đề ra trong năm 2021, Sacombank đã thực hiện được 25% sau quý đầu năm.

Sacombank: Lợi nhuận tăng nhẹ, ráo riết rao bán tài sản xử lý nợ xấu - Ảnh 1

Ngoài kết quả kinh doanh khá khả quan, hoạt động tài chính tại Sacombank cũng ghi nhận nhiều biến động.

Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản tại Sacombank chỉ tăng nhẹ 1% so với đầu năm, ở mức gần 497.428 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại TCTD khác giảm mạnh 56%, chỉ còn 7.773 tỷ đồng; cho vay khách hàng cũng chỉ tăng 5% đạt 356.974 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN tăng 18% đạt 11.896 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiền gửi khách hàng tại Sacombank cũng chỉ tăng nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận gần 431.137 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 15% ghi nhận 12.867 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Sacombank trong 3 tháng đầu năm âm nặng.

Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 6.560 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 chỉ âm 2.314 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 6.473 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 2.283 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 86 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm 31 tỷ đồng.

Hơn nữa, tính đến 31/3/2021, nợ phải trả tại Sacombank ghi nhận gần 467.694 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có gần 29.734 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại Sacombank gấp gần 16 lần vốn chủ sở hữu.

Sacombank: Lợi nhuận tăng nhẹ, ráo riết rao bán tài sản xử lý nợ xấu - Ảnh 2

Liên quan đến tình hình nợ xấu, tính đến ngày 31/03/2021, nợ xấu tại Sacombank giảm nhẹ 8% so với đầu năm, ghi nhận còn hơn 5.292 tỷ đồng. Kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,7% hồi đầu năm xuống chỉ còn 1,48%.

Sacombank: Lợi nhuận tăng nhẹ, ráo riết rao bán tài sản xử lý nợ xấu - Ảnh 3
Nợ xấu nội bảng tại Sacombank giảm nhẹ 8%. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021)

Ráo riết rao bán loạt bất động sản giá khủng, Sacombank vẫn chưa ‘dứt tình’ với VAMC

Sacombank là một trong những ‘gương mặt quen thuộc’ trong làng rao bán loạt bất động sản có giá khủng để thu hồi nợ xấu. Từ đầu năm đến nay, nhà băng này liên tục rao bán đấu giá tài sản đảm bảo, thanh lý hàng loạt bất động sản (BĐS) là tài sản thế chấp để thu hồi món nợ có giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây nhất, Sacombank thông báo đấu giá 5 khoản nợ của các cá nhân và pháp nhân gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất Động Sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long, bà Liêng Thị Thảo, ông Liêng Thành Liêm và bà Đàm Kim Khụng.

Các khoản nợ này phát sinh từ năm 2011 đến 2013. Tính đến ngày 6/4, tổng nghĩa vụ của 5 khoản khoản nợ là hơn 2.402 tỷ đồng; trong đó, vốn là 930 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 1.472 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là là hơn 25,2 triệu cổ phần do CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco) phát hành.

Trong đó, có hơn 2,75 triệu cổ phần của ông Ngô Trí Dũng; 6,5 triệu cổ phần của ông Trần Ngọc Henri; 12,7 triệu cổ phần của CTCP Địa ốc Ngân Hiệp và hơn 3,3 triệu cổ phần của bà Đàm Kim Phụng.

Sacombank đặt mức giá khởi điểm là gần 2.394 tỷ đồng, gần bằng tổng nghĩa vụ của các khoản nợ trên.

Tháng 2/2021, Sacombank cũng đã rao bán một loạt bất động sản tại TP HCM để thu hồi nợ với trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, vào ngày 26/2, Sacombank đã đấu giá các tài sản thuộc quyền sở hữu của CTCP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để xử lý nợ xấu.

Các tài sản bao gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20.803 m2 tại Phường 6, Quận 8, TP HCM thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử đụng thửa đất số 464 và 544 với tổng diện tích 12.669 m2 tại Quận 8, TP HCM. Giá khởi điểm cho lô tài sản này là 640 tỷ đồng.

Tại quận Bình Thạnh, Sacombank cũng đang đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tại sản khác gắn liền tọa lạc tại số 36/70 Đường D2, Phường 25.

Khu đất này có diện tích khu đất này lên tới 6.382 m2, được rao bán với giá khởi điểm gần 377 tỷ đồng. Thời gian diễn ra đấu giá dự kiến vào ngày 25/2.

Trong cùng ngày, Sacombank cũng sẽ tổ chức đấu giá 2 khu đất tại Quận 5 thuộc quyền sở hữu của 2 cá nhân để xử lý nợ.

Trong đó, bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tại địa chỉ 41 Ngô Quyền và 163 Trần Hưng Đạo, cùng thuộc Phường 10, Quận 5, TP HCM. Hai khu đất này có diện tích sử dụng lần lượt là 422 m2 và 1.739 m2, có giá khởi điểm là 277 tỷ đồng.

Tháng 3/2021,  Sacombank tiếp tục rao bán khu đất hơn 6.300 m2 tọa lạc tại số 245/61b Hòa Bình, Phường Hiệp Tân, Quận Tân Phú, TP HCM thuộc quyền sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Tân Phong. Giá khởi điểm của khu đất này cũng lên tới gần 400 tỷ đồng.

Tuy nợ xấu nội bảng giảm nhưng ngân hàng này vẫn còn lượng lớn nợ tại VAMC.

Tính đến 31/12/2020, có khoảng 5 ngân hàng vẫn chưa hết nợ tại VAMC. Trong đó, Sacombank nhiều nợ xấu tại VAMC nhất với 27.322 tỷ đồng. 

Tính đến 31/3/2021, số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (chiếm chủ yếu là trái phiếu đặc biệt VAMC) của Sacombank chỉ giảm nhẹ 0,7% xuống gần 27.142 tỷ đồng. Ngân hàng đã phải trích ra 4.580 tỷ đồng để dự phòng giảm giá cho số chứng khoán nợ này.

Sacombank: Lợi nhuận tăng nhẹ, ráo riết rao bán tài sản xử lý nợ xấu - Ảnh 4
(Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021).

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ