Phát hành giấy tờ có giá tại VIB, Sacombank tăng kỷ lục
Trong giai đoạn 2017 -2020, giá trị phát hành giấy tờ có giá gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu... tăng tại loạt ngân hàng như VIB, Sacombank , LienVietPostBank, TPBank.
Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) phê duyệt đề xuất phát hành 25.000 tỷ đồng giấy tờ có giá và phương án phát hành trái phiếu cho năm 2021. Tổng giám đốc được ủy quyền thực hiện tất cả các công việc liên quan trong quá trình phát hành giấy tờ có giá gồm thời điểm phát hành, lãi suất, kỳ hạn, quyền mua/bán lại, phương án mua lại...
Tính đến cuối năm 2020, khoản giấy tờ có giá tại VIB ở mức gần 28.559 tỷ đồng, chiếm 12% tổng nguồn vốn, tăng 66% so với đầu năm. Trong đó, giấy tờ có giá kỳ hạn từ 12 tháng đến 5 năm đạt hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm 91%.
Trong năm 2020, HĐQT VIB cũng đã phê duyệt phương án phát hành 16.000 tỷ đồng giấy tờ có giá. Loại giấy tờ có giá là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Theo tìm hiểu, giá trị phát hành giấy tờ có giá gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu... tăng cao nhằm đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá trị giấy tờ có giá của nhiều ngân hàng phát hành tăng hơn 100% trong năm 2019.
Từ năm 2016, thị trường bắt đầu xuất hiện xu hướng tăng giá trị giấy tờ có giá sau khi Thông tư 41 được công bố, tiếp tục trong 3 năm tiếp theo và cao điểm trong năm 2019, khi có lộ trình chính thức của Thông tư 22/2019 được thông báo.
Một số ngân hàng như VIB, LienVietPostBank, Sacombank, TPBank,... có đà tăng phát hành giấy tờ có giá cao nhất trong hệ thống trong khoảng 3 năm qua.
Cụ thể, tại Sacombank, giá trị giấy tờ có giá tăng đột biến vào năm 2017 từ chưa tới 1 tỷ đồng lên 9.490 tỷ đồng vào 2019 và đạt 11.144 tỷ đồng vào năm 2020.
Tương tự tại TPBank, phát hành giấy tờ có giá năm 2017 đạt hơn 3.481 tỷ đồng đến năm 2020 đã lên mức gần 27.439 tỷ đồng.
Tại VIB, năm 2017 phát hành giấy tờ có giá đạt 9.045 tỷ đồng, sau 3 năm con số này đã lên tới gần 28.559 tỷ đồng (năm 2020). Tại LienVietPostBank, con số này cũng tăng từ 6.157 tỷ đồng năm 2017 lên 32.251 tỷ đồng năm 2020.
Bên cạnh chứng chỉ tiền gửi, việc phát hành trái phiếu sẽ giúp ngân hàng giải quyết vấn đề về vốn cấp 2 và áp lực giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đây chỉ là vấn đề tạm thời và có thể tác động đến lãi suất, ảnh hưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng phát hành trái phiếu là giải pháp mang tính thời điểm. Lạm dụng cách này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Bên cạnh đó, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng từng nhận định phát hành trái phiếu chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức tối đa vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tương đương 50% vốn cấp 1. Các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn. Giải quyết gốc gác bài toán tăng vốn vẫn phải là thông qua chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư, tức tăng vốn cấp 1.
Có thể thấy, phát hành trái phiếu và chào bán chứng chỉ tiền gửi tiềm ẩn rủi ro lãi suất và ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.