Sacombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu

Mới đây, Sacombank vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, trong đó trình bày các kế hoạch tài chính trong năm nay.

Thời gian gần đây, cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu Sacombank (HoSE: STB) nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi dòng tiền tập trung ở nhóm này khá nhiều. Cổ phiếu STB ghi nhận thanh khoản khủng nhất kể từ khi niêm yết với 100 triệu đơn vị khớp lệnh vào phiên 30/03 và vẫn đang trong đà tăng suốt 1 tuần qua.

Từ đầu tháng 3/2021, cổ phiếu Sacombank (HoSE: STB) có nhiều phiên thỏa thuận khối lượng lớn. Đơn cử ngày 22/3, hơn 11,6 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị gần 232 tỷ đồng. Ngày 10 và 17/3, hơn 30,5 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận với tổng giá trị hơn 608,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng thỏa thuận từ đầu tháng 3 gần 96,8 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 1.937 tỷ đồng.

Đầu năm, Kienlongbank (UPCoM: KLB ) có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần STB, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm cổ đông, để tất toán nợ có liên quan chậm nhất là ngày 31/3.

Sacombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 1
Diễn biến giá cổ phiếu STB từ đầu năm đến nay.

Sacombank sẽ trả cổ tức?

Mới đây, Sacombank vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, trong đó trình bày các kế hoạch tài chính trong năm nay. Đáng chú ý nhất là Sacombank kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.

Theo đó, về nội dung thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản kém linh hoạt khiến cho công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhưng Sacombank vẫn quyết liệt xử lý/thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng vượt mục tiêu. Sacombank đã trích 5.633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 12.027 tỷ đồng, đạt 52% tổng thể Đề án đến năm 2025.

Doanh số thu hồi nợ xấu trong năm 2020 tại Sacombank hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025. Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 48 % so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.

Về mặt kết quả kinh doanh năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank đạt hơn 3.339 tỷ đồng và gần 2.682 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 9% so với năm trước. So với chỉ tiêu 2.575 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020 thì Sacombank đã vượt được 30% kế hoạch.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Sacombank dự kiến dùng hơn 2.384 tỷ đồng để trích lập các quỹ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn 1.874 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế gần 6.496 tỷ đồng. Do đó, Sacombank có kế hoạch giữ lại lợi nhuận để tăng vốn bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện Sacombank vẫn đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước cho kế hoạch này.

Tuy nhiên, Sacombank mới bước sang năm thứ 5 thực hiện đề án tái cơ cấu. Do đang trong giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu nên lợi nhuận của nhà băng được ưu tiên giữ lại nhằm xử lý các tồn đọng tài chính, trích lập dự phòng nợ xấu. 

Sacombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 2

Như vậy, sau 5 năm thu hồi nợ xấu và xử lý các tài sản tồn đọng theo Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, Sacombank đã thu được hơn 46.500 tỷ đồng nợ xấu.

Việc nhà băng này muốn NHNN chấp nhận việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là tin vui cho các cổ đông của ngân hàng vì kể từ khi sáp nhập với Southern Bank năm 2015 đến nay, cổ đông của Sacombank chưa được chia cổ tức lần nào do ngân hàng phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ