Sai phạm về thuế, Tập đoàn F.I.T bị xử lý gần 16 tỷ đồng
Với những vi phạm liên quan đến hóa đơn và kê khai thuế, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T vừa bị Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt nặng. Tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà doanh nghiệp này phải thực hiện là hơn 15,9 tỷ đồng.
Cục Thuế TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2899 xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T (địa chỉ tại tầng 5, tòa Times Tower - HACC1 Complex Building, số 35 phố Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Bản, chức vụ Tổng giám đốc.
Theo Quyết định xử phạt này, Cục Thuế TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm về thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T, cụ thể:
Về thuế giá trị gia tăng (GTGT): Kê khai khấu trừ đối với hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và hóa đơn không phục vụ sản xuất kinh doanh.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Hạch toán chi phí trong kỳ đối với hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh; Hạch toán sai chi phí giá vốn trong kỳ; Trích lập dự phòng không đúng quy định; Hạch toán hóa đơn không phục vụ sản xuất kinh doanh.
Với những vi phạm nêu trên, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T bị phạt hành chính số tiền hơn 2,46 tỷ đồng; trong đó, 2,44 tỷ đồng đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và 20,8 triệu đồng với hành vi kê khai sai tờ khai thuế nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được miễn, giảm hoặc chưa được hoàn thuế tại tờ khai thuế tháng 2, 5, 8 năm 2022.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T phải nộp đủ 12,2 tỷ đồng tiền thuế GTGT, TNDN còn thiếu của hai năm 2022 và 2023 vào ngân sách nhà nước (gồm 276,3 triệu đồng tiền thuế GTGT và 11,93 tỷ đồng tiền thuế TNDN).
Nộp 1,23 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, gồm 61,85 triệu đồng tiền chậm nộp thuế GTGT và 1,71 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế TNDN. Số tiền chậm nộp tiền thuế này được tính đến hết ngày 17/1/2025. Tập đoàn F.I.T phải tự tính và nộp số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ ngày 18/1/2025 đến ngày liền kề nộp đủ số tiền thuế chậm nộp vào ngân sách.
Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà doanh nghiệp này phải thực hiện là hơn 15,9 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 35 tỷ đồng, con số này được nâng lên thành 150 tỷ trong năm 2012. Một năm sau đó, FIT đã chính thức niêm yết 15 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội với mã FIT.
Kể từ đây, FIT liên tục đầu tư vào các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản như FIT Comestic, Nước khoáng Khánh Hòa, Westfood Hậu Giang, FIT Land,…đặc biệt có 2 khoản đáng chú ý là CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và CTCP Dược phẩm Cửu Long (MCK: DCL).
Cùng với đó, FIT cũng tích cực gia tăng vốn điều lệ, riêng giai đoạn 2021-2022, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 2.547 tỷ đồng lên 3.399 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trước; phát hành cổ phiếu trả cổ tức; phát hành cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư.
Sở hữu tệp doanh nghiệp thành viên đồ sộ nên quy mô tài sản, nguồn vốn của FIT cũng liên tục được nới rộng sau một loạt động thái chào bán cổ phần huy động vốn. Đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản đạt 7.423 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 5.908 tỷ đồng.
Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này nửa đầu năm nay là các khoản phải thu gốc hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh các tổ chức và cá nhân hơn 3.000 tỷ đồng, điển hình như CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam (497,6 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Thương mại Phố Hiến Việt Nam (759 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Trí Việt (317,2 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Thương mại Trống Đồng (602,5 tỷ đồng); CTCP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư KVN Việt Nam (48,5 tỷ đồng).
Các hợp đồng hợp tác trên gồm 2 nhóm, nhóm 1 là có thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm, được đảm bảo bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các bất động sản mà bên đối tác đầu tư, FIT được hưởng lợi nhuận tại thời điểm cuối kỳ là 4,4-14,8%/năm. Còn nhóm 2 là không thời hạn, nhằm mục đích đầu tư bất động sản. Tỷ lệ góp vốn của FIT trong các hợp đồng từ 94,52% đến 95%.
Những cái tên trong số này ít nhiều đều có liên hệ với Tập đoàn F.I.T. Với Phố Hiến Việt Nam, doanh nghiệp này được thành lập vào giữa năm 2016 với vốn điều lệ 21 tỷ đồng, riêng FIT góp 49%. Tương tự, vào cũng năm 2016, FIT cũng là cổ đông sáng lập nắm 49% vốn điều lệ Công ty Trống Đồng.
Tại ngày 30/6/2024, Dược phẩm Cửu Long đang nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,62% VĐL CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam; 2,13 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,12% VĐL Đầu tư Trí Việt; 19% vốn Công ty Trống Đồng. Bên cạnh đó còn có 10% vốn điều lệ KVN Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/1, cổ phiếu FIT của Tập đoàn F.I.T có giá 4.020 đồng/cổ phiếu (tăng 0,5% so với phiên trước đó)