Gia hạn giá FIT điện gió: Nhớ bài học điện mặt trời

PGS.TS Lê Văn Doanh cho rằng, việc gia hạn giá FIT điện gió cần được xem xét cẩn trọng, tránh để lặp lại bài học điện mặt trời vỡ quy hoạch.

Nhiều địa phương như Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng, Đắk Lắk thời gian qua đã có văn bản đề xuất Thủ tướng và Bộ Công thương xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT (ưu đãi) đối với các dự án điện gió trực thuộc địa bàn.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến đầu tháng 8/2021 có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

Tuy nhiên, đây chỉ là hồ sơ đăng ký của các chủ đầu tư. Đến thời điểm cuối tháng 8/2021, mới có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, chỉ có các dự án hoàn thành phát điện trước ngày 31/10/2021 mới có thể được hưởng giá FIT trong 20 năm, còn theo các thông tin thì hiện nay Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu cho điện gió sau khi giá FIT theo Quyết định số 39/2018 hết hiệu lực để trình Chính phủ quyết định. Điều này khiến không ít nhà đầu tư lo lắng khi không biết cơ chế mua điện sẽ ra sao khi không đáp ứng tiến độ theo Quyết định 39/2018 nêu trên.

Trao đổi với Đất Việt,  PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội thẳng thắn bày tỏ quan điểm không nên gia hạn biểu giá FIT áp dụng cho điện gió. Trường hợp cơ quan chức năng xem xét gia hạn thì cũng cần cân nhắc cẩn trọng, tránh để xảy ra tình trạng như các dự án điện mặt trời trước đây chạy đua để được hưởng giá FIT dẫn tới vỡ quy hoạch.

PGS.TS Lê Văn Doanh chỉ rõ, theo Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh được phê duyệt vào tháng 3/2016, đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời đạt khoảng 850 MW; năm 2025 khoảng 4.000 MW và tăng lên 12.000 MW vào năm 2030.

Cùng với việc phê duyệt Quy hoạch này, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời cũng được ban hành. Cụ thể, Quyết định 11/TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định 13/2020/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Chính quyết định này đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước rót vốn đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước.

Số liệu của EVN cho thấy, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2021, tổng công suất điện mặt trời đã lên tới 19.900 MW, tăng tới hơn 20 lần so với quy hoạch.

Việc đầu tư điện mặt trời lại diễn ra rất nhanh trong khi lưới điện truyền tải, phân phối chưa kịp bổ sung đã dẫn tới hậu quả là hàng trăm triệu kWh điện mặt trời bắt buộc phải cắt giảm để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải.

Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, chính sách ưu đãi điện mặt trời được đưa ra trong khi chưa có sự đầu tư bổ sung về lưới điện truyền tải đã dẫn tới tình trạng đầu tư ồ ạt, quy hoạch bị phá vỡ. Cho nên, điện gió cần phải tránh lặp lại vết xe đổ này.

Vị chuyên gia cho biết, dù có ưu thế hơn so với điện mặt trời song điện gió vẫn không phải là nguồn điện ổn định trong hệ thống. Công suất điện gió phụ thuộc vào lập phương của tốc độ gió, cho nên công suất của các trạm điện gió khá phập phù.

"Nếu tin tưởng vào một hệ thống như thế thì sẽ phải trả giá. Điện gió chỉ nên là một nguồn điện có tính chất bổ sung mà thôi", ông Doanh bày tỏ quan điểm.

Nhà máy điện gió 7A ở Ninh Thuận được công nhận vận hành thương mại (COD) trong tháng 8/2021. Ảnh: EVN  
Nhà máy điện gió 7A ở Ninh Thuận được công nhận vận hành thương mại (COD) trong tháng 8/2021. Ảnh: EVN  

Một điều ông Doanh cho rằng cần lưu ý, đó là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, chủ yếu là công ty Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay đang dư thừa thiết bị, công nghệ làm điện tái tạo nên muốn đưa bớt sang các quốc gia khác, còn sau đó chúng phát huy thế nào thì không cần biết.

Bên cạnh đó, điện gió ven biển có thể gây khó khăn cho việc nuôi trồng ngao sò, hải sản của bà con bởi bên dưới trụ điện gió có hệ thống cáp, dây nối được bảo vệ nghiêm ngặt.

"Tâm lý các địa phương là cứ cho phép đầu tư thì địa phương được lợi vì thu được thuế, nhưng cần phải nghĩ đến lợi ích chung của hệ thống năng lượng", PGS.TS Lê Văn Doanh bày tỏ.

Bởi vậy, vị chuyên gia một lần nữa cho rằng cần bình tĩnh với năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Cần có cái nhìn tổng thể khi quy hoạch năng lượng tái tạo, mà ở đó cơ chế ưu đãi về giá là chưa đủ, cần phải tính đến các vấn đề khác như truyền tải, vận hành hệ thống, tiêu thụ... 

"Ở thời điểm cận kề mốc 31/10 này, nhiều dự án điện gió đua nhau đăng ký chương trình đóng điện, hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại chỉ là để "xí chỗ", còn địa phương xin gia hạn giá FIT cũng mới nghĩ đến lợi ích của mình mà thôi. Cho nên phải bình tĩnh xem xét", PGS.TS Lê Văn Doanh nói, đồng thời ủng hộ việc dùng cơ chế đấu thầu cho điện gió để tránh tình trạng một số nhà đầu tư kiếm được mức lợi quá cao.   

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, đến hết tháng 4/2022 để hỗ trợ cho ngành điện gió.

GWEC ủng hộ áp dụng những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các dự án đủ điều kiện lùi thời hạn. Biện pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch.

Theo kết quả khảo sát của GWEC, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do COVID-19, và do đó có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021.

GWEC cho rằng, nếu không có biện pháp cứu trợ COVID-19 bằng việc cho giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.

Chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong nghị quyết 55/NQ-TW và xuất hiện một chu kỳ "phá sản" khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Thành Luân

Theo Đất Việt