Sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam do Sungroup đầu tư sắp có dự án mới: San sẻ 'việc nặng' với đường bộ Bắc - Nam
Trong thời gian tới, sân bay này sẽ triển khai một số hạng mục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không theo định hướng phát triển mà Chính phủ cũng như tỉnh đã đề ra.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay Vân Đồn) là sân bay kết hợp dân dụng - quân sự nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam và do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư, được xây dựng vào năm 2015. Hiện nay, sân bay Vân Đồn chỉ khai thác chuyến bay cố định Vân Đồn - TP. HCM với tần suất trung bình khoảng 6 chuyến/tuần cùng một số chuyến bay charter quốc tế.
Sân bay Vân Đồn là công trình giao thông đặc biệt với quy mô cấp 4E, chiều dài đường cất hạ cánh là 3.600m với công suất 2,5 triệu hành khách/năm.
Để nâng cao chất lượng khai thác của sân bay quốc tế Vân Đồn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vân Đồn vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nhận định của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vân Đồn, sân bay Vân Đồn có tiềm năng để phát triển nhưng chưa khai thác xứng tầm và vì thế cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển vận tải hàng không theo định hướng phát triển mà Chính phủ cũng như tỉnh Quảng Ninh đã đề ra. Vì vậy, việc nâng cấp, triển khai các dự án phục vụ cho quá trình khai thác sân bây Vân Đồn cần sớm được đề xuất và triển khai. Cũng theo đơn vị này, nguyên nhân khiến sân bay Vân Đồn chưa khai thác hiệu quả một phần từ việc chưa cung cấp đủ các dịch vụ như nhà ga hàng hóa, hangar sửa chữa tàu bay, khu chế biến suất ăn, sân đỗ tàu bay và các khu dịch vụ sân bay vì vậy mà chưa thu hút được các hãng hàng không lớn triển khai đường bay đến đây.
Hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát nhu cầu phát triển vận tải hàng không theo định hướng phát triển mà Chính phủ cũng như tỉnh Quảng Ninh đã đề ra, đồng thời thực hiện chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo đó, tại sân bay thời gian tới sẽ triển khai xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) với sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải công việc cho đường bộ Bắc - Nam.
Các chi phí về việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; nghiên cứu, lập hồ sơ quy hoạch; công bố quy hoạch do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vân Đồn tự nguyện chi trả theo căn cứ tại Điều 38 Nghị định 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Sân bay Vân Đồn có vị trí giao thương chiến lược tại khu vực phía Bắc. Sân bay sở hữu cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6km, rộng 45m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787. Sân bay Vân Đồn khi đi vào hoạt động năm 2018 đã tạo động lực tăng trưởng cho Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung, đồng thời thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư đến với vùng di sản.