Sau 1 năm thi công, cao tốc hơn 20.000 tỷ Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giờ ra sao?
Đây là công trình lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, do Tập đoàn Đèo Cả làm đơn vị thi công.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án có vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 1/1/2023. Với chiều dài hơn 88km, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đi qua 4 huyện, thị xã của tỉnh Quảng Ngãi và thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
Các phương tiện đang đổ đất san lấp nền đường tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Dù trong quá trình tổ chức thi công ở giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cùng với sự nỗ lực và đồng lòng của các cơ quan, đơn vị, địa phương nên tiến độ dự án có những chuyển biến khá tích cực.
Đến nay, sau một năm thi công, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã dần hình thành. Trong đó, cầu sông Vệ nối 2 huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) là cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với chiều dài 610m, toàn bộ 134 cọc khoan nhồi đã hoàn thành. Nhà thầu đã thi công được 13/16 bệ móng, mố trụ, 12/14 thân mố trụ, 55/105 dầm cầu, tiến độ đáp ứng kế hoạch.
Cầu sông Vệ nối 2 huyện Mộ Đức Và Tư Nghĩa là cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với chiều dài 610m
Trong số các hạng mục đường găng tác động lớn đến dự án, hạng mục 3 hầm xuyên núi trên tuyến chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng đơn vị thi công (Tập đoàn Đèo Cả) đã hoàn thành việc thông cả hai hầm số 1 và số 2 vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Riêng hầm số 3, hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới với chiều dài 3.200m, hiện đã đạt gần 900m của cả hai ống hầm.
Hầm số 3 là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới với chiều dài 3.200m, hiện đã thi công đạt gần 900m của cả hai ống hầm
Việc thông hầm đã rút ngắn thời gian, quãng đường di chuyển chở vật liệu, điều phối nhân lực đến công trường phía bắc hầm số 3 so với kế hoạch. Trước đây, thi công phải đi đường công vụ vòng qua các ngọn núi hiểm trở, mất an toàn.
Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công đạt hơn 12% tổng khối lượng
Theo thông tin từ báo Thanh niên, đại diện Tập đoàn Đèo Cả xác định đây là dự án lớn, công tác thi công phức tạp nên trước khi bắt tay vào việc triển khai đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực máy móc thiết bị, con người, tài chính… và đặc biệt là cách điều phối, phối hợp với các nhà thầu khác trong liên danh.
CTCP Tập đoàn Đèo Cả có tiền thân là CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Doanh nghiệp này đã ghi dấu ấn trên thị trường bằng các dự án “khủng” khi là nhà đầu tư, thi công tuyến hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả; dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…