Sau thời gian dài lao dốc, định giá P/B nhiều cổ phiếu chứng khoán về gần, thậm chí dưới 1
Việc lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào hoạt động tự doanh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung diễn biến kém khả quan, là nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu chứng khoán lao dốc rất mạnh trong thời gian vừa qua, đẩy hệ số P/B (giá trị vốn hóa/giá trị sổ sách) của nhiều công ty xuống gần, thậm chí dưới mức 1 lần.
Theo thống kê của hãng xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, quy mô tổng tài sản của 68 công ty chứng khoán đang hoạt động đạt 383 nghìn tỷ đồng và quy mô vốn chủ sở hữu đạt 178 nghìn tỷ tính đến hết ngày 30/6/2022. Quy mô vốn chủ sở hữu này đã tăng ở mức 3,17 lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Đáng chú ý, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán mặc dù hiện nay không quá tích cực nhưng vẫn đóng góp lớn khoảng 44-50% vào cơ cấu thu nhập hoặc lợi nhuận hoạt động.
Việc lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào hoạt động tự doanh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung diễn biến kém khả quan, là nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu chứng khoán lao dốc rất mạnh trong thời gian vừa qua, đẩy hệ số P/B (giá trị vốn hóa/giá trị sổ sách) của nhiều công ty xuống gần, thậm chí dưới mức 1 lần.
Điểm danh loạt cổ phiếu có P/B nhỏ hơn 1
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu ORS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có giá chốt phiên gần nhất đạt 10.050 đồng/cổ phiếu, mức P/B tương ứng đạt 0,89 lần.
Gần đây, TPS bị xử phạt hành chính tổng cộng 250 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn và cấp margin vượt hạn mức. Về kết quả kinh doanh, TPS vừa trải qua quý II không mấy khả quan khi lỗ kỷ lục 161 tỷ đồng trước thuế. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân chi phí tăng cao chủ yếu là do hoạt động tự doanh bị ảnh hưởng từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng.
Thấp hơn ORS là cổ phiếu SHS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội hiện đang có mức giá 8.400 đồng/cổ phiếu và P/B đạt 0,73 lần. Cuối tháng 9 vừa rồi, SHS phát hành hơn 325 triệu cổ phiếu, giá 12.000 đồng/cổ phiếu thu về hơn 3.900 tỷ đồng. Theo đó vốn điều lệ SHS tăng từ hơn 6.505 tỷ đồng lên hơn 8.131 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân quan trọng giúp P/B của SHS giảm xuống mức thấp.
Thấp hơn nữa là cổ phiếu AGR của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank có giá đóng cửa ngày 7/10 là 8.210 đồng/cổ phiếu, giá trị P/B tương ứng là 0,71 lần.
Đáng chú ý, cổ phiếu VIX của Công ty cổ phần Chứng khoán VIX và BVS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt đều ghi nhận mức P/B là 0,57 lần.
Với nhà đầu tư có chiến lược mua và nắm giữ nhiều năm trong giai đoạn hiện tại có thể quan sát các cổ phiếu của công ty chứng khoán có sức mạnh tài chính cùng khả năng quản trị tốt và có giá trị sổ sách (P/B) nhỏ 1.
Cổ phiếu chứng khoán nào đang có P/B lớn hơn 1?
Dẫn đầu danh sách này phải kể đến cổ phiếu TVS của Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt. Với mức giá chốt phiên ngày 7/10 là 28.900 đồng/cổ phiếu, mức P/B của cổ phiếu này đã là 1,77 lần. Đây là mức P/B cao nhất trong số các cổ phiếu ngành chứng khoán niêm yết.
Xếp sau là cổ phiếu SSI của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI ở mức 16.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên 7/10, tương đương với mức P/B đạt 1,75 lần.
Tiếp sau là FTS. Giá cổ phiếu FTS của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT ở mức 29.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên 7/10, tương đương với mức P/B đạt 1,66 lần. Trong khi đó, tại mức giá 22.650 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BSI của Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hiện đang có mức P/B là 1,64.
Tiếp nối, cổ phiếu MBS của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB đang có mức P/B đạt 1,57 lần sau khi đạt giá 15.100 đồng/cổ phiếu. Xét về hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, MBS ghi nhận 120,4 tỷ đồng lợi nhuận quý II, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 321 tỷ đồng, tăng 38%.
Theo sau là cổ phiếu VDS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, ghi nhận giá chốt phiên 7/10 đạt 9.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức P/B đạt 1,33 lần.
Đặc biệt, 2 cổ phiếu của các "ông lớn" là VND của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT và HCM của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM ghi nhận mức P/B khá thấp, lần lượt ở mức 1,19 lần và 1,13 lần.
Thấp hơn là trường hợp cổ phiếu CTS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương, đang được giao dịch ở mức P/B là 1,09 lần.
5 rủi ro chính với các công ty chứng khoán
Theo nhận định của FiinRatings, các công ty chứng khoán hiện nay đang phải đối mặt với 5 yếu tố rủi ro chính, cần được theo dõi và đánh giá.
Thứ nhất là rủi ro thanh khoản. Hiện thanh khoản bình quân ngày trên TTCK Việt Nam chỉ ở mức khoảng 60% so với bình quân năm 2021. Do đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ môi giới chứng khoán cũng như rủi ro tín dụng danh mục cho vay ký quý. Điều này có thể tác động lớn hơn đối với các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ tập trung vào các cổ phiếu nhỏ hoặc có tính đầu cơ.
Rủi ro thứ hai là từ danh mục tự doanh. Do sự suy giảm của VN-Index so với giai đoạn đầu năm 2022, các công ty có nguồn thu lớn từ danh mục tự doanh sẽ bị ảnh hưởng, nhất là các đơn vị có tỷ lệ động góp thu nhập từ tự doanh chiếm hơn 50% tổng nguồn thu của công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, FiinRatings cũng ghi nhận một số công ty chứng khoán gia tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết và có chất lượng tín dụng chưa cao. Do đó, FiinRatings khuyến nghị nhà đầu tư cần đánh giá chất lượng danh mục đầu tư cụ thể của mỗi công ty chứng khoán khi thực hiện giám sát và quản trị rủi ro tín dụng cho vay.
Thứ ba là rủi ro từ việc kiểm soát rủi ro tín dụng. Hiện phần lớn cơ cấu nợ của các công ty chứng khoán là vốn ngắn hạn và rất ngắn hạn. Nợ dài hạn bao gồm trái phiếu chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn vay và vốn chủ) của các công ty chứng khoán. Trước các biện pháp hạn chế dòng tiền vào kênh tài sản tài chính như hiện nay, điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thanh khoản của một số công ty chứng khoán yếu.
Rủi ro thứ tư là về lãi suất và tỷ giá. Lãi suất đầu vào đang gia tăng và trong khi đó các công ty chứng khoán có hạn mức tín dụng từ các ngân hàng thường có tính chất thả nổi. Do đó, điều này sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ nói riêng và lợi nhuận cả năm 2022 của các công ty chứng khoán.
Cuối cùng là rủi ro chính sách. Ví dụ Nghị định 65 vừa mới đi vào hiệu lực sẽ làm cho một số công ty chứng khoán vốn có nguồn thu đáng kể từ tư vấn phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu và kinh doanh kỳ hạn trái phiếu sẽ cần thời gian để tăng trưởng hoạt động này trở lại trong khi danh mục đầu tư trái phiếu lại có rủi ro cao hơn.