Sau tin vui mở cửa TTTM lớn nhất miền Trung, tỉnh sở hữu thành phố di sản của Việt Nam đang xây những dự án nào?
Ngoài AEON MALL, tỉnh thành này còn đang triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay và năm sau, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống dân cư.
Mới đây, tập đoàn AEON đã chính thức khai trương AEON MALL Huế, trung tâm thương mại lớn nhất khu vực miền Trung. Đây là trung tâm thương mại thứ bảy của AEON tại Việt Nam, với khoảng 140 cửa hàng, bao gồm nhiều thương hiệu quốc tế và trong nước.
Đặc biệt, 70% số cửa hàng tại AEON MALL Huế là các thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố này, mang lại trải nghiệm mua sắm đa dạng cho người dân địa phương và du khách.
Ngoài AEON MALL, tỉnh Thừa Thiên Huế còn đang triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay và năm sau, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống dân cư.
Cảng Vsico Chân Mây
Một trong những dự án nổi bật là bến tổng hợp - container số 4 và 5 tại cảng Vsico Chân Mây. Dự án này khởi công từ tháng 4/2024 với tổng diện tích hơn 26 ha và vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, bến số 4 dự kiến sẽ hoạt động vào quý II/2025, trong khi bến số 5 sẽ đi vào khai thác đầu năm 2026. Mỗi năm, cảng có thể xử lý khoảng 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao năng lực tiếp nhận tàu container với sản lượng ước tính từ 80.000 đến 100.000 TEUS mỗi năm.
Dự án này sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải, dịch vụ kho bãi và logistic cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, góp phần vào sự phát triển của khu vực và kết nối giao thương trong khu vực miền Trung.
Cầu Nguyễn Hoàng
Một dự án khác đang được chú ý là cầu Nguyễn Hoàng và tuyến đường dẫn, khởi công từ tháng 12/2022 với tổng vốn đầu tư 2.281 tỷ đồng. Cầu có thiết kế vòm thép, gồm 5 nhịp và chiều rộng 43m, phục vụ cho 6 làn xe.
Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối các khu đô thị mới phía Tây TP. Huế và tạo điều kiện cho sự phát triển các đô thị vệ tinh.
Dự kiến, cầu Nguyễn Hoàng sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024, và hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 3/2025, rút ngắn thời gian thi công so với kế hoạch ban đầu.
Cầu vượt cửa biển Thuận An
Trong mảng hạ tầng đường bộ, dự án cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc tuyến đường ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất hiện nay. Dự án này có tổng chiều dài 21,8km, trong đó cầu Thuận An dài 2,36km là điểm nhấn, được xem là cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, cầu sẽ kết nối các tuyến đường ven biển của Thừa Thiên Huế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và phát triển kinh tế ven biển, kết nối với các khu công nghiệp trọng điểm và cảng biển lớn trong khu vực.
Kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, công tác bảo tồn và tu bổ các di tích cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều công trình quan trọng như Ngọ Môn, Cung Trường Sanh, Phu Văn Lâu và Lăng Tự Đức đã được trùng tu, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.
Đồng thời, theo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, TP. Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, với sự phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn di sản và bản sắc văn hóa, hướng tới trở thành một đô thị thông minh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.