SCIC bán vốn loạt DN nhà nước, dự thu về hàng trăm tỷ

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến thoái vốn tại một số doanh nghiệp như Tổng công ty Thăng Long, Mía đường Thanh Hoá, Thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex)...dự kiến nếu thành công sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng

Theo đó, SCIC thông báo đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (sàn HNX: TTL) vào ngày 26/12/2024 tại trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Cụ thể, SCIC dự kiến thoái toàn bộ hơn 25% vốn tại doanh nghiệp này, tương ứng khối lượng đấu giá là 10,5 triệu cổ phần. Giá khởi điểm của cả lô hơn 222 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần, bước giá là 1 triệu đồng/lô cổ phần. Mức giá này cao gấp 1,42 lần thị giá cổ phiếu TTL đóng cửa trong phiên 13/12.

Đối tượng được tham gia phiên đấu giá là các nhà đầu tư tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TTL đang ở mức rất thấp, chỉ 0,01%, khá rộng cửa cho khối ngoại tham gia.

Được biết, Tổng công ty Thăng Long-CTCP là một doanh nghiệp được thành lập ngày 6/7/1973, là đơn vị xây dựng cầu đường hàng đầu của Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, Tổng công ty đã xây dựng hàng trăm cây cầu lớn, hàng nghìn công trình dân dụng, công trình giao thông, bến cảng, sân bay.... như: cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, đường cao tốc Sài gòn-Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên– Quốc lộ 3…

SCIC bán vốn loạt DN nhà nước, dự thu về hàng trăm tỷ - Ảnh 1
Công trình cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang do Liên danh Tổng công ty Thăng Long – CTCP - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng HJC là nhà thầu thi công dự án

Tương tự, ngày 23/12 SCIC cũng sẽ bán đấu giá 56.868 cổ phần tại Công ty cổ phần Mía đường Thanh Hóa, tương đương khoảng 28% vốn điều lệ. Giá khởi điểm gần 21 tỷ đồng/lô, tương đương hơn 366.000 đồng một cổ phần.

Trước đó, vào cuối năm 2016 và hồi tháng 8/2017, SCIC cũng đã chào bán nhưng bất thành do giá khởi điểm cao lên tới 632.000 đồng/cổ phần, kèm theo yêu cầu nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số lượng cổ phần chào bán.

Bên cạnh đó, SCIC cũng thông báo giá bán cổ phần Công ty cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) trong tháng này. Khối lượng đấu giá hơn 2,7 triệu cổ phần, tương đương hơn 34% vốn điều lệ. Giá khởi điểm của cả lô là gần 123 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 27/12, SCIC cũng bán đấu giá 235.053 cổ phần nắm giữ tại Công ty cổ phần Dược Khoa (DK Pharma), tương đương hơn 3% vốn điều lệ. Giá khởi điểm hơn 4,6 tỷ đồng/lô, tương đương khoảng 19.700 đồng/cổ phần.

Như vậy nếu đấu giá thành công trong tháng 12/2024, dự kiến SCIC sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng nhờ bán vốn loạt doanh nghiệp nhà nước.

Trước đó, SCIC cũng đã thông báo không tổ chức phiên đấu giá thông thường quyền mua cổ phần của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 với lý do: đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc ngày 06/12/2024, không có nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá thông thường quyền mua cổ phần.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là doanh nghiệp tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng thời sắp xếp cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán quý II/2024 của SCIC, luỹ kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu 3.947 tỷ đồng, tăng 41% và lợi nhuận sau thuế đạt 5.917 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của SCIC đạt 62.310 tỷ đồng, giảm 0,7% so với hồi đầu năm.

Trong nửa đầu năm 2024, SCIC liên tục thông báo bán vốn hàng loạt doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động thoái vốn nhà nước. Tổng cộng, website của SCIC đã thông báo về việc chào bán cạnh tranh, đấu giá công khai cổ phần và quyền mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Bắc Kạn, Công ty cổ phần GP9 Hà Nội, Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Công Cộng Bình Dương, Công ty cổ phần ACS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp TP. Cần Thơ...

Hoàng Minh

Theo VietnamFinance