Nửa đầu năm 2024, SCIC báo lãi tăng 95%, vượt tổng lợi nhuận 2023

Nửa đầu năm 2024, SCIC báo lãi sau thuế đạt đạt 5.917 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ. Con số này thậm chí đã cao hơn tổng lợi nhuận cả năm 2023 SCIC thu về .

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 1.264 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu từ bán các khoản đầu tư tăng gấp 5 lần lên 515,6 tỷ đồng.

Doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia cũng tăng 25%, lên mức 2.922 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ lãi tiền gửi và đầu tư trái phiếu bất ngờ giảm 27%, đạt 505,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCIC còn ghi nhận 4 tỷ đồng doanh thu cho thuê bất động sản và khác. Khoản mục này giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn trong quý II/2024  
Doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn trong quý II/2024  

Quỳ vừa qua, doanh thu từ hoạt động tài chính của SCIC chỉ đạt vỏn vẹn 13 triệu đồng, không đủ để bù đắp khoản chi phí tài chính 56 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 9% xuống còn 50,6 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý là phần lãi/lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tăng lên 31,4 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này chỉ đạt 1,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhờ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tăng mạnh, lợi nhuận gộp công ty theo đó tăng lên 2.718 tỷ đồng.

Sau cùng, SCIC báo lãi trước thuế 2.691 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Khấu trừ thuế, tổng công ty lãi ròng 2.353 tỷ đồng, đi ngang so với năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu 3.947 tỷ đồng, tăng 41% và lợi nhuận sau thuế đạt 5.917 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ. Con số này thậm chí đã cao hơn tổng lợi nhuận cả năm 2023 SCIC thu về.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của SCIC đạt 62.310 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 53% cơ cấu tài sản đạt 33.122 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Phần lớn số tiền này nằm tại ngân hàng. Thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận lượng tiền của SCIC đạt 27.892 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết tăng gấp 2 lần lên 739 tỷ đồng.

Thuyết minh các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tại báo cáo tài chính quý II/2024 
Thuyết minh các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tại báo cáo tài chính quý II/2024 

Liên quan đến các khoản đầu tư tài chính dài hạn, trong 6 tháng đầu năm, khoản mục này đã tăng 4%, đạt 29.212 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vốn góp tại các công ty con chưa niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất với 19.635 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của SCIC ghi nhận ở mức 5.519 tỷ đồng, giảm 19% lần so với đầu năm. Trong đó, tổng công ty phải nộp 4.521 tỷ đồng tiền thuế và các khoản cho Nhà nước.

Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của SCIC tăng nhẹ lên mức 56.791 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối của SCIC âm 4.116 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa thông báo không tổ chức phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của Công ty Cổ phần Sách Việt Nam (Savina, UPCoM: VNB) do SCIC sở hữu. Nguyên nhân vì không có nhà đầu tư đăng ký tham dự, phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của công ty không đủ điều kiện để tổ chức.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2024 SCIC thoái vốn bất thành tại Savina. Được biết, tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này là 10%, tương đương gần 6,8 triệu cổ phần.

Không chỉ Savina, trong nửa đầu năm 2024, SCIC liên tục thông báo bán vốn hàng loạt doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động thoái vốn nhà nước. Tổng cộng, website của SCIC đã thông báo về việc chào bán cạnh tranh, đấu giá công khai cổ phần và quyền mua cổ phần tại 7 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp này bao gồm Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Bắc Kạn, Công ty cổ phần GP9 Hà Nội, Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Công Cộng Bình Dương, Công ty cổ phần ACS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp TP. Cần Thơ, Công ty Cổ phần Dược Khoa và Savina.

Giang Hà

Theo VietnamFinance