Sẽ có một thế hệ không mua được nhà?
Đối với nhiều người trẻ, giấc mơ mua nhà gần như đã vượt xa ngoài tầm với khi giá BĐS trong vài năm trở lại đây liên tục tăng phi mã.
Giấc mơ "vắt kiệt" sức lực của giới trẻ
Thời gian gần đây, câu chuyện của một anh chàng sinh năm 2005 chia sẻ trên MXH Threads về việc từ bỏ giấc mơ mua nhà, thậm chí khẳng định rằng "Sẽ có một thế hệ không mua được nhà" đã trở thành đề tài nhận được sự quan tâm rất lớn.
Theo chia sẻ của người này, sau một thời gian sống tại Hà Nội, anh nhận ra rằng: "Sẽ có 1 thế hệ không mua được nhà… Làm văn phòng bình thường gần như không thể mua được nhà. Nhiều lúc mình trầm tư, tự hỏi phải học bao nhiêu, làm bao nhiêu nữa mới đủ...".
Ngay khi bài viết này được đăng tải đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dân tình và được nhiều người chia sẻ trên các nền tảng MXH khác nhau với vô vàn bình luận.
Có không ít các ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong khi nhiều người cho rằng anh chàng đang có suy nghĩ thiển cận, phiến diện và tiêu cực về viễn cảnh mua nhà thì nhiều người lại tỏ ra đồng cảm.
Nhiều người thậm chí chia sẻ rằng họ đã từ bỏ ước mơ mua nhà từ rất lâu vì quá mệt mỏi trên hành trình theo đuổi BĐS cho riêng mình giữa bối cảnh giá cả ngày càng "leo thang" trong khi thu nhập vẫn "dậm chân tại chỗ" có tăng nhưng cũng không đáng kể.
Thời điểm năm 2011, Minh Anh (30 tuổi, Nam Định) từng có ý định mua 1 căn 1 phòng ngủ + 1 (loại căn hộ 1 phòng ngủ có thêm một khoảng không gian nhỏ, có thể thiết kế thành phòng ngủ thứ 2 hoặc không gian làm việc, đọc sách tùy thích) tại KĐT Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức giá hơn 1 tỷ (thanh toán sớm, không vay ngân hàng). Tuy nhiên, thời điểm này chị vẫn còn khá ngần ngại và phân vân.
Sau 3 năm, khi liên hệ với môi giới, tìm kiếm căn hộ có diện tích tương đương tại KĐT này, mức giá đã lên 2,4 tỷ đồng. Một trường hợp khác là anh Quang (27 tuổi) làm trong lĩnh vực y tế với mức lương 13-15 triệu đồng/tháng chia sẻ rằng anh đã từ bỏ ước mơ mua nhà ở khu vực trung tâm Hà Nội vì thu nhập không đủ cao.
Anh Quang không muốn phải mua nhà rồi dành hàng chục năm lo toan trả nợ bất động sản.
Anh cho biết: "Mình đang có hai phương án. Một là về quê sống trong căn nhà ngoại thành cùng gia đình, mỗi ngày đi đi về về giữa nhà và cơ quan, mất khoảng 2 tiếng. Hai là tiếp tục thuê nhà ở vùng trung tâm như hiện tại. Sau này, khi nghỉ hưu ở tuổi 55, mình sẽ chuyển hẳn về quê sinh sống. Hà Nội 'đất chật người đông', không chỉ việc mua nhà mà cả các chi phí sinh hoạt khác cũng bị đẩy lên rất cao".
Tại sự kiện Endeavor diễn ra vào hồi tháng 8/2023, thời điểm giá chung cư bắt đầu tăng theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, ông David Do - TGĐ Vietnam Investments Group (VIG) chia sẻ rằng: "Giá bất động sản ở Việt Nam không hợp lý cho GenZ - những người mới ra trường. Hễ giá bất động sản không giảm, thì mình sẽ có cả một lứa không bao giờ có khả năng mua nhà".
Giá chung cư tăng trong suốt 19 quý liên tiếp
Mặt bằng giá chung cư Hà Nội hiện đang được rao bán ở mức trung bình 45 triệu đồng/m2, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Batdongsan.com.vn.
Trung bình, một căn hộ chung cư ở Hà Nội hiện có giá khoảng 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng giá không đồng đều. Tại một số khu đô thị, giá đã tăng tới 33% chỉ trong một năm. Với đợt tăng giá này, những căn hộ chung cư giá rẻ, không sổ đỏ giờ đây cũng không còn ở mức 25 triệu đồng/m2.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ số giá căn hộ tại Hà Nội đầu năm 2024 đã tăng khoảng 38% so với năm 2019, trong khi con số này tại TP. HCM là 16%.
Giá căn hộ tại Hà Nội liên tục tăng ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tại TP. HCM, sau một thời gian giảm, giá căn hộ cũng đã bước vào chu kỳ tăng trở lại, đặc biệt với các dự án cao cấp, hạng sang trên thị trường thứ cấp.
Nhu cầu mua nhà tăng mạnh không chỉ xuất phát từ sự chuyển dịch của các hộ gia đình trong thành phố hay sự gia tăng của lực lượng lao động và sinh viên đổ về Hà Nội, mà còn đến từ nhu cầu đầu tư.
Thị trường thuê căn hộ cũ và mới liên tục tăng giá kể từ sau đại dịch COVID-19, đóng góp thêm vào xu hướng tăng của giá chung cư.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên thị trường hiện gần như không có dự án căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2). Phần lớn các dự án đang ở phân khúc trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Giá chung cư cuối năm 2023 vẫn duy trì ở mức rất cao và đây cũng là quý thứ 19 liên tiếp giá bán chung cư sơ cấp tăng.
Tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, giá bán trung bình của các căn hộ mới mở bán đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2, tăng 7% so với quý trước (tương đương 3,6 triệu đồng/m2) và 14% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 7 triệu đồng/m2).
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% (tương đương 800.000 đồng/m2) theo quý và 0,8% (tương đương 250.000 đồng/m2) theo năm.
Tương tự, tại TP .HCM, giá bán thứ cấp trong quý 3 đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước.
Mức tăng này chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, đặc biệt tại các dự án gần trung tâm như quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức. Giá bán sơ cấp căn hộ chung cư tại đây đã vượt hơn 60 triệu đồng/m2.
Với mức giá chung cư dao động từ 50 đến 80 triệu đồng/m2, thị trường hầu như không còn nguồn cung căn hộ bình dân. Mức giá này tạo ra áp lực tài chính nặng nề cho những người có thu nhập trung bình và thấp, khiến việc sở hữu một ngôi nhà riêng trở nên vô cùng khó khăn.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, mức lương trung bình của người lao động thường chỉ dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Dù thu nhập có thể cao hơn với những ngành nghề đặc thù hoặc ở các vị trí cao, nhưng đối với phần lớn lao động phổ thông, con số này là khá phổ biến.
Giả sử một người lao động tiết kiệm được 30% thu nhập hàng tháng (tương đương 3-4,5 triệu đồng), sau 1 năm, họ chỉ có thể dành dụm khoảng 36-54 triệu đồng.
Nếu muốn mua một căn nhà trị giá 3 tỷ đồng, người đó sẽ phải tiết kiệm liên tục trong 55-83 năm để đạt được số tiền này, chưa kể đến các chi phí sinh hoạt hàng ngày và tác động của lạm phát.
Trên thực tế, rất ít người lao động có khả năng tiết kiệm đủ số tiền mua nhà. Phần lớn phải lựa chọn vay ngân hàng với thời gian trả góp từ 15-25 năm. Tuy nhiên, điều này vẫn đặt lên vai họ một gánh nặng tài chính vô cùng nặng nề.
Vì vậy, để người trẻ dễ dàng tiếp cận nhà ở, mức giá lý tưởng chỉ nên nằm trong khoảng 6-10 năm thu nhập trung bình của họ.
Hệ lụy của việc giá BĐS tăng phi mã: Có thể kéo lùi lợi thế cạnh tranh của một quốc gia
Bàn về tình trạng giá nhà tăng cao, Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse - nhận định rằng Việt Nam đang lãng phí cơ hội vì giá bất động sản luôn ở mức cao.
"Cứ hình dung, sinh viên mới ra trường hay người lao động sẽ buộc phải tăng lương mới có thể mua được nhà. Nếu giá nhà tăng gấp 3 lần, kỳ vọng về mức lương của người lao động cũng sẽ tăng tương ứng", Shark Phú cho biết.
Shark Phú cũng nhấn mạnh rằng, khi giá bất động sản tăng, giá trị sử dụng của căn nhà không thay đổi.
Ví dụ, một căn nhà trước đây có giá 1 tỷ đồng, giờ tăng lên 10 tỷ đồng. Giá trị sử dụng của căn nhà không thay đổi, nhưng áp lực lên chi phí tiền lương – vốn chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm và dịch vụ – lại tăng lên.
Ông David Do - Tổng Giám đốc VIG cũng từng phân tích thêm về hệ lụy khi giá nhà tăng cao sẽ khiến cho thế hệ trẻ khó có thể sở hữu được nhà.
Vị chuyên gia này cho rằng khi không thể mua nổi nhà, khoản tiền tích lũy được có thể bị "rải" vào các hoạt động giải trí như ăn uống, du lịch.
"Giải pháp tốt hơn là bất động sản phải xuống giá, khi đó nền kinh tế mới khỏe mạnh," ông David nhận định.