‘Siêu’ đập thủy điện trị giá 5 tỷ USD ‘vắt’ ngang qua dòng sông dài bậc nhất thế giới, hồ chứa có sức chứa lớn gấp 8 lần thủy điện Sơn La
Công trình thủy điện kỹ vĩ đang được xây dựng trên sông Nile có chiều cao 145m, chiều dài 1.780m và hồ chứa có sức chứa lên đến 74 tỷ m3 nước.
Đập Grand Ethiopian Renaissance (GERD) là một trong những dự án xây dựng đập lớn nhất châu Phi, được xem như biểu tượng của tham vọng phát triển và tự cường của Ethiopia. Nằm bắc ngang qua sông Nile Xanh, gần biên giới giữa Ethiopia và Sudan, công trình này đã trở thành trung tâm của tranh chấp quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia hạ lưu sông Nile như Ai Cập và Sudan.
Đập được xây dựng từ 10 triệu m3 bê tông đầm lăn (RCC), bao gồm hai nhà máy điện, ba đập tràn và một đập phụ. Đập GERD có chi phí xây dựng khoảng 4,8 tỷ USD với chiều cao 145m và chiều dài 1.780m. Hồ chứa nước của đập có sức chứa lên đến 74 tỷ m3, đủ để phục vụ cho các mục đích sản xuất điện và phát triển kinh tế của Ethiopia. So với thủy điện Sơn La (dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3) thì công trình này có sức chứa lớn gấp khoảng 8 lần.
Khi hoàn thành, GERD sẽ có công suất lắp đặt khoảng 6.450 megawatt, giúp Ethiopia trở thành nước xuất khẩu năng lượng điện lớn nhất khu vực Đông Phi. Dự án này được xem là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia, giúp cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho các ngành công nghiệp và khu vực dân cư.
Tham vọng của Ethiopia với siêu đập GERD đã gây ra những lo ngại lớn từ phía các quốc gia hạ lưu sông Nile, đặc biệt là Ai Cập và Sudan. Theo AFP, Ai Cập và Sudan xem dự án này là một mối đe dọa đến an ninh nguồn nước, vì hơn 100 triệu người dân Ai Cập phụ thuộc nhiều vào dòng chảy từ hạ lưu sông Nile.
Ethiopia khẳng định rằng đập Đại Phục Hưng sẽ không ảnh hưởng đến lượng nước, nhưng phía Ai Cập lo ngại rằng quá trình lấp đầy hồ chứa sẽ làm chậm dòng chảy. Năm 2010, ngoại trừ Ai Cập và Sudan, các quốc gia khác trong lưu vực sông Nile đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác, cho phép việc xây dựng đập này.
Việc xây dựng đập GERD bắt đầu vào tháng 4/2011 và đã trải qua nhiều khó khăn và chậm trễ. Dù vậy, dự án đã tiến gần đến giai đoạn hoàn thành, với một số tuabin đã bắt đầu phát điện vào năm 2022. Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong vài năm tới khi hồ chứa nước được tích trữ đầy đủ và tất cả các tuabin đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, việc xây dựng đập GERD cũng gây ra nhiều tác động về môi trường và xã hội. Hàng nghìn người dân đã phải tái định cư do việc xây dựng đập và tạo hồ chứa. Bên cạnh đó, tác động tiềm tàng lên hệ sinh thái sông Nile và các khu vực hạ lưu vẫn đang là một vấn đề đáng lo ngại, với nhiều nghiên cứu về tác động môi trường đang được tiến hành để đánh giá đầy đủ các rủi ro.
Bất chấp những thách thức và tranh chấp, đập GERD vẫn được xem là một biểu tượng quốc gia, phản ánh khát vọng của Ethiopia trong việc phát triển và tự cường. Đập không chỉ giúp quốc gia này giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Với việc trở thành một trung tâm năng lượng quan trọng ở khu vực Đông Phi, đập GERD có thể định hình lại mối quan hệ kinh tế và chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, để thực sự đạt được tiềm năng đó, Ethiopia cần tiếp tục đối thoại và tìm ra giải pháp hợp lý với các quốc gia láng giềng, đảm bảo rằng dự án GERD không chỉ mang lại lợi ích cho riêng mình mà còn góp phần ổn định và phát triển khu vực sông Nile.
Tổng hợp