Siêu đô thị hơn 6.000ha ở TP.HCM: Chậm trễ quy hoạch, DN chán nản bỏ đi
Đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi – TP. HCM), quy mô 6.084ha tiêu tốn hơn 18,7 tỷ đồng ngân sách nhưng chưa hoàn tất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hút đầu tư, phí nguồn lực đất đai, và kìm hãm thị trường bất động sản nơi đây.
Tiêu tốn hơn 18,7 tỷ đồng nhưng vẫn ì ạch
Theo thông báo Kết luận Thanh tra (KLTT) liên quan đến chấp hành quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, mời gọi đầu tư tại Ban Quản lý đầu tư – Xây dựng khu đô thị Tây Bắc TP. HCM (BQL khu Tây Bắc) thời kỳ từ 2015-2022, Thanh tra TP. HCM đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót như tổ chức, lập thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 và công bố công khai quy hoạch chậm so với chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.
BQL khu Tây Bắc chưa xây dựng hồ sơ thiết kế đô thị trong các đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt; chưa lập hồ sơ, thực hiện cắm mốc giới và ngoài thực địa; không đôn đốc, theo dõi kiểm tra việc lập hồ sơ cắm mốc giới của chủ đầu tư dự án…
Giai đoạn 2015-2022, BQL khu Tây Bắc thực hiện việc lập điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 đối với KĐT Tây Bắc đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư cũng như triển khai dự án xây dựng. Các khu đất trong KĐT Tây Bắc dự kiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đang tạm ngưng, chờ hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch.
Thông báo KLTT chỉ ra, BQL khu Tây Bắc còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Cụ thể, mất gần 4 năm mới xong bước phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 (từ tháng 6/2016-2/2020). Trong khi đó, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP đến cuối năm 2016 phải hoàn thành.
Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 (điều chỉnh) KĐT Tây Bắc thực hiện nhiều lần (4 lần), mất 11 tháng chưa đảm bảo đồng bộ, kịp thời về chất lượng và yêu cầu kỹ thuật…
Trình phê duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/5.000 với quy mô 6.089ha không chính xác, làm phát sinh tăng kinh phí lập quy hoạch; hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ của đồ án quy hoạch 1/5.000 trong đó nội dung đánh giá tác động đến môi trường chiến lược chưa phân tích được các yếu tố, dự báo đánh giá tác động đến môi trường, không có bản đồ hiện trạng môi trường, không có bản đồ đánh giá môi trường chiến lược…
Bên cạnh đó, BQL khu Tây Bắc còn nhiều thiếu sót như chưa thu thập ý kiến góp ý của Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp… Chưa lập hồ sơ cắm mốc giới và thực hiện cắm mốc giới ngoài thực địa với 9 khu chức năng và một khu dự án (khu dân cư Tân An Hội) đã được phê duyệt đồ quán quy hoạch…
Thông báo KLTT xác định, đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 khu đô thị Tây Bắc, quy mô 6.084ha và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP. HCM phê duyệt với tổng giá trị được quyết toán hơn 18,7 tỷ đồng nhưng hiện nay đang được thẩm định, điều chỉnh quy hoạch nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hút đầu tư, triển khai các dự án xây dựng trong khu đô thị Tây Bắc.
Nhà đầu tư ngán ngẩm dời bỏ địa bàn
Trong khi khu vực phía Đông, phía Tây Nam TP. HCM đã phát triển kinh tế, xã hội rực rỡ trong suốt thời gian dài thì khu vực phía Tây Bắc lại như "bức tranh" đầy ảm đạm. Nhiều chủ đầu tư cho hay, khu vực này dù có tiềm năng vô cùng lớn với lợi thế về quỹ đất dồi dào nhưng nhiều năm qua chưa thu hút nhiều các nhà đầu tư về phát triển dự án.
Thực tế đã cho thấy điều này khi diện tích toàn bộ 16 quận ở TP. HCM và TP. Thủ Đức cộng lại mới bằng hơn 90% diện tích đất huyện Hóc Môn, Củ Chi (49.382 ha so với 54.439 ha).
Tại huyện Củ Chi có nhiều khu công nghiệp như: Tây Bắc - Củ Chi rộng 387ha; Đông Nam rộng 342,5ha; Tân Phú Trung 542ha... với hơn 1.000 doanh nghiệp. Ngoài các khu công nghiệp, trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn còn phần lớn đất nông nghiệp.
Tuy có quỹ đất dồi dào, song việc thu hút các doanh nghiệp về các địa phương này đang là bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp cũng phát triển về phía Tây Bắc TP nhưng lại chọn thị trường tỉnh bởi lợi thế về hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách và quy hoạch đã minh bạch rõ ràng.
Thắng Lợi Group là ví dụ điển hình. Tập đoàn bất động sản có tiếng ở TP. HCM đã phải dời bỏ Củ Chi và lựa chọn Long An là điểm đến để mở rộng quỹ đất, phát triển dự án. Đại diện Tập đoàn cho hay, hơn 10 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn chọn Long An vì là sân chơi minh bạch về quy hoạch và vừa sức với doanh nghiệp.
“Trong kế hoạch phát triển dài hạn, khu Tây Bắc TP. HCM vẫn là khu vực trọng điểm mà chúng tôi nhắm đến để phát triển các dự án bất động sản vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu về nhà ở dành cho người dân đang làm việc tại TP. HCM và các khu vực lận cận nhưng chúng tôi cần quy hoạch sớm ổn định”, vị đại diện này cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay, lý do khu Tây Bắc TP dù có quy hoạch từ rất lâu nhưng chưa phát triển tương xứng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư là do hạ tầng giao thông kém và vướng “quy hoạch treo”.
Cụ thể, từ vài năm trước đây, dự án Công viên Sài Gòn Safari từng được lập quy hoạch nhưng hiện nay không phù hợp nên chờ phê duyệt lại nhiệm vụ quy hoạch 1/5.000, từ đó mới lập lại quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhưng chủ dự án đã chờ quá lâu. Hay như đại diện Tập đoàn Savico chia sẻ, doanh nghiệp đang sẵn sàng nguồn lực đầu tư 10.000 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn nhưng hiện nay thủ tục còn nhiều vướng mắc về quy hoạch nên cần sớm khơi thông.
Từ những thiếu sót, tồn tại về công tác quy hoạch, Chánh Thanh tra TP. HCM đã kiến nghị và được Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Ngô Minh Châu thống nhất, chỉ đạo giao các đơn vị liên quan: BQL khu Tây Bắc, Giám đốc Sở QHKT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo thẩm quyền đối với cá nhân, tập thể liên quan, rà soát, điều chỉnh, chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến hạn chế, thiếu sót đối với các đồ án quy hoạch…
Giao Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo thẩm quyền đối với lãnh đạo BQL khu Tây Bắc (nay là Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Tây Bắc) thời kỳ liên quan để xảy ra những thiếu sót, vi phạm.
KĐT Tây Bắc có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, quy hoạch từ lâu đã ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như công tác thu hút đầu tư, gây lãng phí tài nguyên đất. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân và cơ hội của chủ đầu tư các dự án khu đô thị, bất động sản từ đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.