'Siêu' dự án hơn 5.200 tỷ 'bất động' ở Thừa Thiên - Huế
Mặc dù, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ban Quản lý Khu kinh tế tạo điều kiện, cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án (năm 2017), nhưng đến nay dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô vẫn không hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án.
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô được khởi công xây dựng vào năm 2008 tại thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Hai năm sau, chủ đầu tư là Công ty Công ty Đầu tư Phát triển Phong Phú - Lăng Cô xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến 5.230 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng là 292 ha.
Dự án được thiết kế gồm 3 hạng mục công trình là khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích lên đến 17.000 m2 nhưng trên thực tế, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong.
Dự án hứa hẹn là dự án hàng đầu miền Trung, sẽ đem lại động lực phát triển du lịch tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động và được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tạo điều kiện, cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án (năm 2017) nhưng nhà đầu tư vẫn không hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án.
Cụ thể, dự án chậm khởi công xây dựng và chậm hoàn thành giai đoạn 1 (hạng mục sân golf và công trình phụ trợ) đưa vào hoạt động so với tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư.
Khu đất của dự án vẫn “án binh bất động”.
Chưa hết, việc kiểm kê đền bù đất cho người dân địa phương của dự án này vẫn chưa xong. Điều này khiến gần 100 hộ dân nằm trong vùng dự án phải luôn sống trong cảnh bất an.
Trao đổi với phóng viên, gia đình ông Trần Minh Phụng (60 tuổi) là một trong những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án sân golf cho biết: "Vì sự chậm trễ của dự án nên ông luôn sống trong cảnh lo âu, nhà ông ở là nhà cấp 4 với gần chục người, có gần 1.000 m2 đất nông nghiệp trồng hoa màu nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy chủ đầu tư về nói gì".
Ngôi nhà ông Phụng xây thêm phòng tắm để tiện sinh hoạt nhưng xã đến lập biên bản yêu cầu tháo dỡ nếu không sẽ cưỡng chế vì nằm trong vùng đất quy hoạch.
"Vừa qua, tôi xây thêm phòng tắm để tiện sinh hoạt. Nhưng khi xây xong, xã đến lập biên bản vì cho rằng, nhà nằm trong vùng quy hoạch nên xã yêu cầu tháo dỡ nếu không sẽ cưỡng chế. Việc trồng trọt cũng không được gì vì trồng được 1, 2 tháng, bà con trong làng nói dự án sân golf sắp làm. Tôi cứ sống trong cảnh thấp thỏm đợi chờ...”, ông Phụng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi) cho hay, việc đền bù cho dân chúng tôi đã kéo dài gần 10 năm nay nhưng tình hình vẫn không khả quan, tại các cuộc họp cử tri, các hộ dân năm trong quy hoạch dự án luôn kiến nghị về dự án cũng như việc đền bù nhưng không có tiến triển.
Trước vấn đề trên, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, thôn Phú Hải có 97 hộ nằm trong diện phải di dời. Chủ đầu tư đã kiểm kê tài sản và phê duyệt giá trị bồi thường, từ năm 2009 đến năm 2017 tiến hành kiểm kê lại.
Nhưng đến nay, doanh nghiệp không chi trả tiền khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn khi không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, chia tách đất đai cho con cái xây dựng nhà ở.
Tại giao ban báo chí hằng tuần, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin thêm, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án đảm bảo đúng mục tiêu, chủ trương của tỉnh.
Theo Phan Tiến/ Nhà Đầu Tư