“So găng” kết quả kinh doanh của hai ông lớn ngành xây dựng: Coteccons tiếp tục báo lỗ, lợi nhuận Hòa Bình đi ngang
Kết thúc quý III/2022, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) tiếp tục báo lỗ 3,5 tỷ đồng trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) chỉ lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Coteccons tiếp tục báo lỗ, hơn 1.100 tỷ đồng nợ xấu
Theo Báo cáo tài chính Hợp nhất quý III/2022 vừa được Coteccons công bố, trong quý III, doanh nghiệp xây dựng này ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.113 tỷ, tăng 191% so với cùng kỳ và giảm nhẹ so với quý II.
Giá vốn bán hàng tăng mạnh lên 3.080 tỷ đồng (tăng hơn 2.020 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021) đã kéo lợi nhuận gộp giảm xuống còn gần 33 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ nhưng giảm đến 847 % so với quý II/2022 (đạt 215,7 tỷ đồng).
Với việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên 103,5 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của CTD âm 36,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ âm 8,2 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác đạt 33,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận âm 3,6 tỷ đồng.
Với khoản lợi nhuận khác thu về đã giúp Coteccons chỉ lỗ 3,5 tỷ đồng trong quý III/2022 trong khi cùng kỳ lỗ 11,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Coteccons đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu thuần – tăng 34% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,9 tỷ, giảm 97% so với 9 tháng đầu năm trước.
Trong năm 2022, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 20 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, Coteccons mới chỉ thực hiện được 55,3% doanh thu và 9,5% lợi nhuận của cả năm.
Dòng tiền cũng là một vấn đề “đâu đầu” với Coteccons khi tính đến ngày 30/9/2022 dòng tiền kinh doanh của công ty âm gần 2.000 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 183 tỷ đồng (con số này trong quý II/2022 là âm 1.300 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/9/2022 tổng tài sản của Coteccons là 17.757 tỷ đồng tăng khoảng hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (16.646 tỷ đồng), còn lại là tài sản dài hạn.
Cũng nên lưu ý rằng, trong khoản tài sản ngắn hạn, Coteccons có tới 10.310 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn. Đồng thời doanh nghiệp có tới 1.146 tỷ đồng nợ xấu, trong đó CTD phải trích lập dự án phòng rủi ro cho khoản nợ xấu là 961 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Khoản nợ phải cuối kỳ của Coteccons là 9.562 tỷ, trong đó doanh nghiệp đi vay tổng cộng 1.464 tỷ. Dư nợ trái phiếu là 495 tỷ, gần 967 tỷ là vay từ ngân hàng (chủ yếu là ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động). 9 tháng, Coteccons vay thêm 1.880 tỷ đồng thời trả nợ gốc 419 tỷ và tốn gần 55 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Khoản đầu tư chứng khoán của Coteccons cũng đáng chú ý khi Coteccons đã chi gần 40 tỷ mua chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN30. Công ty cũng chi 30,4 tỷ mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB), chi gần 28 tỷ mua cổ phiếu của Công ty cổ phần FPT (FPT) và 157 tỷ đồng để mua cổ phiếu của các công ty khác.
Ngoại trừ khoản đầu tư vào FPT tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý 3 thì Coteccons đang phải trích lập dự phòng cho tất cả các khoản đầu tư chứng khoán với tổng gần 37 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình lãi nhẹ gần 5,5 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.330 tỷ đồng
So với Coteccons, lợi nhuận quý III/2022 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tích cực hơn tuy nhiên, cũng như Coteccons, dòng tiền kinh doanh cũng là vấn đề nan giải với Hòa Bình.
Cụ thể, kết thúc quý III/2022 Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng 81,6% so với cùng kỳ, giảm nhẹ 7% so với quý II. Mặc dù giá vốn bán hàng tăng mạnh so với cùng kỳ lên 3.500 tỷ đồng tuy nhiên với khoản doanh thu tăng nên kéo lợi nhuận gộp đạt 282,5 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của Hòa Bình cũng tăng lên 33,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng 63,6% so với cùng kỳ lên 122,7, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay.
Kết quả, kết thúc quý III, HBC báo lãi 5,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên giảm tới 90% so với quý II/2022 (đạt 50 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, Hòa Bình đạt 10.904 tỷ đồng doanh thu thuần – tăng 344,6% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 61,2 tỷ, giảm 916,5% so với 9 tháng đầu năm trước.
Trong năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, HBC đã thực hiện được 63% doanh thu và 17,5% lợi nhuận.
Xét về dòng tiền kinh doanh, tính đến ngày 30/9/2022 HBC ghi nhận âm 1.331 tỷ đồng trong khi cũng kỳ dương 896 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư của Hòa Bình cũng âm 319 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ âm 22,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2022 tổng tài sản của Hòa Bình là 16.683 tỷ đồng tăng khoảng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (16.974 tỷ đồng), còn lại là tài sản dài hạn.
Cũng giống như Coteccons, trong khoản tài sản ngắn hạn, HBC có tới 13.355 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn. Đồng thời doanh nghiệp này có 415 tỷ đồng dự phòng khoản nợ khó đòi.
Tính đến 30/9/2022, Hòa Bình có 14.913 tỷ đồng nợ phải trả tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn là 13.331 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.581 tỷ đồng. Đến cuối kỳ, doanh nghiệp đi vay 6.565 tỷ đồng tăng 28,8% so với thời điểm đầu năm.
Trong khoản vay tài chính của HBC, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng. Cụ thể, tính đến cuối quý III/2022, Hòa Bình có 5.493 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng. Trong đó chủ yếu các khoản vay từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 2.264 tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) với 1.324 tỷ đồng.