Sóc Trăng: Dự án Đường trục Đông - Tây 2.000 tỷ bị 'vạch' nhiều tồn tại
Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện việc lập, trình phê duyệt tổng mức đầu tư tại dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng tăng chưa đúng gần 19,6 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính vừa công khai kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng và dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (QLDA2) làm chủ đầu tư và quản lý dự án.
Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Toàn tuyến có chiều dài 56,6 km, trong đó có 44 cầu giao thông.
Đến thời điểm ngày 31/8/2024, dự án mới được bố trí trên 1.614 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 1.208 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh trên 406 tỷ đồng. Giải ngân đến 31/8/2024 trên 1.253 tỷ đồng (đạt 77,6% so với tổng nguồn vốn đã bố trí cho của dự án).
Qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (QLDA2) làm chủ đầu tư và quản lý dự án, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện việc lập, trình phê duyệt tổng mức đầu tư tăng chưa đúng gần 19,6 tỷ đồng.
Cụ thể, tính tăng chưa đúng chi phí xây dựng trên 12,7 tỷ đồng; tính tăng chưa đúng chi phí lắp đặt trạm trộn bê tông xi măng trên 742,7 tỷ đồng; tính chưa đúng chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa trên 1,5 tỷ đồng; tính tăng chưa đúng chi phí rà phá bom mìn trên 2,2 tỷ đồng; tính tăng chưa đúng chi phí tư vấn khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi trên 2,3 tỷ đồng.
“Các chi phí tính tăng chưa đúng trong việc lập tổng mức đầu tư nêu trên, khi phê duyệt dự toán các gói thầu, chủ đầu tư đã rà soát, điều chỉnh giảm”, kết luận nêu rõ.
Về việc lập, phê duyệt điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng theo thiết kế bản vẽ thi công gói thầu xây lắp số 08, số 09, qua thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính nêu rõ dự toán điều chỉnh gói thầu xây lắp số 08, số 09 tính chưa đúng khối lượng một số công việc trên 4,1 tỷ đồng, dẫn đến phải giảm trừ giá trị hợp đồng, giá trị nghiệm thu thanh toán trên 4,1 tỷ đồng. Trong đó, dự toán gói thầu số 08 tính tăng chưa đúng trên 3,9 tỷ đồng; gói thầu số 09 tính tăng chưa đúng trên 200 triệu đồng.
Cũng theo kết luận thanh tra, đối với việc xác định khối lượng một số hạng mục công việc phụ trợ thi công tại các cầu của Dự toán gói thầu xây lắp số 08, số 09, qua thanh tra cho thấy, dự toán gói thầu xây lắp số 08, số 09 được chủ đầu tư phê duyệt, xác định khối lượng một số hạng mục công việc phụ trợ thi công chưa phù hợp với giá trị hơn 16,3 tỷ đồng (trong đó, Gói thầu 08 là hơn 9,3 tỷ đồng và Gói thầu số 09 hơn 7 tỷ đồng).
Liên quan tới việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán Gói thầu số 1 (tư vấn khảo sát xây dựng; lập báo cáo nghiên cứu khả thi; lập hồ sơ thiết kế và cắm cọc giải phóng mặt bằng), Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra rằng chưa đúng trên 2,2 tỷ đồng, dẫn đến phải giảm trừ giá trị hợp đồng, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 79,7 triệu đồng.
Đối với việc ký và triển khai hợp đồng xây dựng, qua thanh tra thấy, tại thời điểm ký hợp đồng xây lắp Gói thầu số 08 và Gói thầu số 09, Ban QLDA2 chưa có kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết đối với dự án tuyến trục phát triển kinh tế Đông Tây; chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công do chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Việc ký hợp đồng thi công đối với các điều khoản về tạm ứng còn thiếu kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng để thoả thuận mức tạm ứng là chưa phù hợp với các quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư của dự án chưa đảm bảo theo tỷ lệ đã cam kết của chủ đầu tư, chưa đạt theo chỉ đạo của UBND tỉnh Sóc Trăng và Thủ tướng Chính phủ. Đến hết năm 2023, dự án giải ngân chỉ đạt tỷ lệ 91%. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư 8 tháng đầu năm 2024 của dự án chỉ đạt 21% kế hoạch vốn giao.
Bên cạnh đó, việc tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng chưa căn cứ vào kế hoạch, tiến độ dẫn đến việc tạm ứng kinh phí đền bù còn dư tạm ứng lớn (trên 29,8 tỷ đồng); thời gian chi trả kéo dài, chậm lập hồ sơ thanh toán, giá trị tạm ứng đến 31/8/2024 là trên 29,8 tỷ đồng, trong đó từ năm 2021 trở về trước trên 16,3 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay trên 13 tỷ đồng.
Đến thời điểm ngày 31/8/2024, tổng số kinh phí ứng thực hiện tổ chức di dời, giải phóng mặt bằng cho các Hội đồng bồi thường chưa thu hồi trên 234 tỷ đồng.
Trong đó, dư tạm ứng của Hội đồng Bồi thường huyện Mỹ Xuyên thuộc dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây trên 5,9 tỷ đồng đến nay đã quá hạn thanh toán, chưa quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư số tiền đã tạm ứng, mặc dù kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong từ ngày 13/4/2023.