Soi 'sức khỏe' của cổ phiếu tân binh doanh nghiệp bảo hiểm

Kết thúc năm 2020, AIC và PRE thu về 10 tỷ đồng và 146 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 24% và 4% so với năm trước. Còn tại MIG ghi nhận mức tăng trưởng 37%  đạt gần 194 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2020 đến tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp khối ngân hàng và bảo hiểm liên tục đăng ký niêm yết, chuyển sàn giao dịch chứng khoán.

Tính riêng nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm thì đã có thêm 3 tân binh là Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE); Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC); Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIG).

Cụ thể, 72,8 triệu cp PRE của Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE) niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 24/12/2020 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp. PRE là mã bảo hiểm đầu tiên niêm yết mới trên HNX năm 2020.

Giá trị vốn hóa khi chào sàn của PRE đạt 1.456 tỷ đồng. Sau đó, giá cổ phiếu PRE lùi về mức 16.500 đồng/cp (26/02), tỷ lệ giảm khoảng 16% so với đỉnh đã đạt được. Như vậy, từ 24/12/2020 đến 17/3/2021, cổ phiếu PRE đã giảm từ 19.900 đồng/cp xuống 17.400 đồng/cp, tương đương giảm 14%.

Diễn biến cổ phiếu PRE.  
Diễn biến cổ phiếu PRE.  
Sau một thời gian chây ì, ngày 8/1/2021 vừa qua, 80 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã lên sàn UPCoM mã chứng khoán AIC với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.400 VND/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong số 80 triệu cp AIC được giao dịch trên sàn UPCoM, có đến 40,42 triệu cp (chiếm 50,5% vốn) bị hạn chế chuyển nhượng do bị phong tỏa khi thực hiện cầm cố tại ABBank (ABB). Đây có thể là nguyên nhân khiến công ty bảo hiểm này “nán” lại không đăng ký giao dịch chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên, giá cổ phiếu AIC dừng tại mức 10.400 đồng/cp, bằng với giá tham chiếu, giá trị vốn hóa tương đương 832 tỷ đồng. Từ 11-15/1/2021, giá cổ phiếu AIC bất ngờ tăng trần 5 phiên liên tiếp lên đến 28.700 đồng/cp. Tuy nhiên, sau ngày 15/1/2021 thì giá cổ phiếu AIC bất ngờ lao dốc. Từ 15/1 đến 17/3, cổ phiếu AIC đã giảm 44%, mức giảm này còn cao hơn cả PRE.

Diễn biến cổ phiếu AIC.  
Diễn biến cổ phiếu AIC.  
Còn tại Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIG) cũng đã đưa 130 triệu cp MIG chuyển từ sàn UPCoM lên niêm yết chính thức trên Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 21/01/2021 với giá tham chiếu 15.550 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu MIG tăng 20% so với giá tham chiếu, lên mức 18.600 đồng/cp. Tuy nhiên, sau 1 tháng giao dịch trên sàn HOSE (21/1 – 22/2), thị giá MIG đã giảm 8% so với phiên đầu tiên, chỉ còn 17.300 đồng/cp.

Diễn biến cổ phiếu MIG.  
Diễn biến cổ phiếu MIG.  
Năm 2020, lợi nhuận của nhóm cổ phiếu tân binh bảo hiểm ra sao?

Cụ thể, theo BCTC kiểm toán năm 2020, PRE ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 773 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019 nhờ doanh thu phí bảo hiểm và phí nhượng tái bảo hiểm đều tăng nhẹ; lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 91 tỷ đồng tăng 20%. Đáng lưu ý, chi phí hoạt động tài chính tại PRE tăng mạnh 88% lên mức hơn 23 tỷ đồng.

Kết quả, PRE ghi nhận lợi nhuận trước đạt gần 182 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 6% so với năm trước và lãi sau thuế đạt 146 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4%.

Ngoài ra, tính đến 31/12/2020, tiền và các khoản tương đương tiền tại PRE giảm 36% xuống còn 54,6 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong năm cũng âm gần 31 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 167 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước tăng gần 2.658 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 50 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 cũng âm gần 115 tỷ đồng.

Theo BCTC quý 4/2020 tại AIC, trong quý 4/2020, AIC lỗ gộp hơn 16 tỷ đồng do doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí.

Cả năm 2020, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại AIC tăng 35% so với năm 2019, đạt gần 1.201 tỷ đồng nhờ doanh thu phí bảo hiểm tăng 34% đạt 1.113 tỷ đồng và phí nhượng tái bảo hiểm tăng 50% đạt hơn 345 tỷ đồng.

Chú ý, năm 2020 tổng chi phí bồi thường bảo hiểm tại AIC đạt 440 tỷ đồng và chi phí khác đạt 739 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 43% so với năm trước, do đó đẩy chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại AIC tăng 36% lên mức 1.192 tỷ đồng, cao hơn mức tăng của doanh thu thuần. Do đó, lợi nhuận gộp của AIC giảm 34% so với năm trước, còn gần 9 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng bị thu hẹp từ 2% xuống còn 1%.

Kết quả, AIC báo lãi trước và sau thuế năm 2020 đạt gần 12 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 24% so với năm 2019.

Trong năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của AIC giảm 39% so với năm trước, còn hơn 153 tỷ đồng chủ yếu do tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh giảm 60% trong khi tiền chi trả cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 45%.

Đáng chú ý, tính đến 31/12/2020, nợ phải trả tại AIC tăng 51% so với đầu năm, lên mức gần 1.886 tỷ đồng chủ yếu nằm ở dự phòng nghiệp vụ tăng 47%, chiếm gần 1.460 tỷ đồng.

Còn tại MIG, theo BCTC năm 2020 đã kiểm toán, cả năm 2020, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại MIG tăng 30% so với năm 2019 đạt 2.402 tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.157 tỷ đồng, tăng trưởng 26%.

Đây là lần đầu tiên doanh thu công ty đạt mốc 3.000 tỷ đồng sau 13 năm. MIG  nằm trong top 5 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn có lãi gộp kinh doanh bảo hiểm đứng đầu. 

Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế công ty đạt 242 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2019 và lãi sau thuế đạt gần 194 tỷ đồng, tăng 37%.

Tuy nhiên, trong năm 2020, lưu chuyển tiền thuần trong năm tại MIG vẫn còn âm hơn 647 triệu đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm gần 148 tỷ đồng trong khi năm 2019 tăng hơn 371 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 228 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả tại MIG tăng 17% lên mức gần 4.016 tỷ đồng.

Soi 'sức khỏe' của cổ phiếu tân binh doanh nghiệp bảo hiểm - Ảnh 1

Như vậy, kết thúc năm 2020, AIC và PRE có lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm “lép vế” hơn so với MIG khi chỉ báo lãi vỏn vẹn 9 tỷ đồng và 90,6 tỷ đồng. 

Ngoài ra, cả AIC và PRE thu về 10 tỷ đồng và 146 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 24% và 4% so với năm trước. Còn tại MIG ghi nhận mức tăng trưởng 37%  đạt gần 194 tỷ đồng.

Soi 'sức khỏe' của cổ phiếu tân binh doanh nghiệp bảo hiểm - Ảnh 2

Nếu so với kế hoạch kinh doanh đã đề ra trong năm 2020, MIG hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế còn AIC và PRE đều vượt mục tiêu lợi nhuận. Trong đó, AIC vượt 25%, PRE vượt 14%.

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ