Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Bảo hiểm BIC biến động đến khó tin
Mặc dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BIC lại âm hơn 26 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 với con số bất ngờ.
Cụ thể, 9 tháng qua, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 13%, lên gần 1.354 tỷ đồng; tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 8%, chiếm gần 985 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 1.855 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và chi phí nhượng tái bảo hiểm cũng tăng 4%, ghi nhận hơn 709 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính trong 9 tháng đầu năm ghi nhận hơn 209 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2019. Kết quả, BIC ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế đạt 286 tỷ đồng và gần 234 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 27% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cũng tăng 25%, đạt gần 231 tỷ đồng.
Tuy kết quả kinh doanh tăng trưởng khá ấn tượng nhưng theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, tiền và các khoản tương đương tiền trong 9 tháng đầu năm ghi nhận hơn 102,7 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm.
Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng tới 40%, lên mức 591 tỷ đồng; nợ ngắn hạn phải trả tăng 5%, lên mức gần 3.424 tỷ đồng. Điều này khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BIC âm hơn 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương hơn 47 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu BIC đang có giá 19.100 đồng/cp (phiên sáng 13/11/2020), giảm khoảng 20% so với hồi đầu năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân đạt khoảng 56.400 cp/ngày.
Ở chiều ngược lại, CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) vừa công bố báo cáo quý 3/2020 với lợi nhuận trước và sau thuế 9 tháng đầu năm giảm 15% so với cùng kì năm trước, lần lượt đạt gần 123 tỷ đồng và 98 tỷ đồng, riêng trong quý 3/2020 đạt 17,5 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Trong kì, doanh thu thuần từ các mảng kinh doanh chính gồm bảo hiểm và doanh thu tài chính đều ghi nhận tăng lần lượt 33% và gần 14% so với cùng kì năm trước nhưng chi phí lại tăng gần 45% và 73% khiến lợi nhuận của MIC sụt giảm đáng kể.
Trong 9 tháng đầu năm, nợ phải trả tại MIC ghi nhận 3.849 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Các khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 9,4% trong khi đầu tư tài chính dài hạn tăng lên gần gấp 3 lần với 378 tỷ đồng.
Câu chuyện kỳ lạ về dòng tiền không chỉ xảy đến với bảo hiểm BIC và MIC.
CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) vừa công bố báo cáo quý 3/2020 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm lãi hơn 296 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 237 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 1.260 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ và doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận hơn 103,7 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kì năm trước.
Chi phí từ các mảng cũng tăng mạnh lần lượt 25% và 183%, tuy nhiên công ty vẫn ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận ròng.
Tính tới 30/9, tổng tài sản của công ty đạt 2.875 tỷ đồng, tăng 12%. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 60%. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh 12,3% lên 2.179 tỷ đồng trong khi đầu tư tài chính dài hạn tăng khiêm tốn chưa đầy 2% với gần 60 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nợ phải trả 9 tháng qua tại Cty tăng 12% so với đầu năm, ghi nhận 1.886 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 40%, ghi nhận hơn 125,6 tỷ đồng.