Sớm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
Lãi suất huy động đồng loạt giảm từ 1% - 2%, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Lãi suất huy động rục rịch giảm
Thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 12/2022, lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng.
Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất ở mức 5,3-5,8%/năm; 6,2-7,6%/năm ở kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 6,0-7,4%/năm... Có thể thấy, lãi suất huy động đã giảm so với thời điểm tháng 10, tháng 11/2022.
Đáng chú ý, sau cuộc họp với NHNN ngày 8/2 vừa qua, một số ngân hàng thương mại lớn đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã thống nhất sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Trước đó Tạp chí Chất lượng và cuộc sống có bài viết “Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động”. Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, thêm nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất. Đáng chú ý, sự thay đổi diễn ra ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh.
Với những tín hiệu như vậy, cùng áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, các chuyên gia từ BVSC nhận định áp lực tăng lãi suất sẽ không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Kỳ vọng giảm dần lãi suất cho vay
Trải qua 2 năm dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến thu nhập giảm sút khá nhiều, Anh Nguyễn Minh Hiếu (Hà Nội) đang áp lực khi khoản vay đè nặng, thời điểm cuối năm ngoái (tháng 12/2022) anh có vay mua xe tại một ngân hàng thương mại với mức lãi suất 11,9% sau đó tăng lên 14,7%/năm. Thông tin các ngân hàng thương mại công bố giảm mạnh lãi suất huy động đang thu hút sự quan tâm từ những khách hàng như anh Hiếu bởi khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng giảm theo.
Trên thực tế, lãi vay cao đang là mối lo của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 12/2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).
Trong khi đó, theo khảo sát, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang trên thị trường hiện nay cho vay lãi suất phổ biến là 12-13%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Văn Phong, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Đại Phát cho biết, áp lực tỉ giá đến các doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại đã tạm ổn định so với thời điểm cuối năm 2022, song doanh nghiệp đang phải chịu áp lực từ nhiều phía.
“Giá nhà sản xuất tăng từ 4 – 10% giá trị hàng hóa cộng thêm các chi phí khác tăng do nhiên liệu và các dịch vụ vận tải tăng giá, dẫn đến cần nguồn vốn lớn để nhập hàng. Với mức lãi suất dài hạn hơn 10%/năm thì doanh nghiệp không thể đầu tư để sản xuất kinh doanh hiệu quả. Để kích thích đầu tư, Chính phủ, NHNN cần có giải pháp cụ thể cũng như tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn”, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Đại Phát chia sẻ.
Chính vì vậy, ngay sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, các ngân hàng thương mại đã có điều chỉnh để phù hợp. Ngân hàng MB áp dụng giảm 1% lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.
BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30 nghìn tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.
Với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, mua xe ô-tô, tiêu dùng hay sản xuất, kinh doanh của khách hàng cá nhân, BIDV triển khai Gói vay vốn trung dài hạn mới với nhiều ưu đãi: lãi suất cho vay từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu; từ 10,9%/năm trong 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân lần đầu (đối với khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn theo sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở).
Đặc biệt, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn trung dài hạn tại BIDV (thời gian vay hơn 12 tháng) sẽ có cơ hội nhận thêm các ưu đãi: giảm thêm 0,2% cho khách hàng vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home hoặc khách hàng đổ lương qua BIDV.
Trước đó, hồi đầu năm, Vietcombank cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,...
Mặc dù một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng các chuyên gia cũng nhận định để có được mặt bằng chung thì cần có độ trễ nhất định.