Sóng mới trên thị trường bán lẻ Việt

Emart rút khỏi Việt Nam, bán đại siêu thị cho một doanh nghiệp của Việt Nam; Masan bắt tay với Alibaba... là những diễn biến mới trên thị trường bán lẻ.

Tờ The Korea Times ngày 18/5 cho biết, Emart sẽ bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam cho một công ty địa phương sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường gần 100 triệu dân này.

Thông qua thương vụ nói trên, Emart sẽ không còn hoạt động mảng bán lẻ dưới thương hiệu của mình tại Việt Nam. Theo The Korea Times, siêu thị bán hàng hóa với giá rẻ này sẽ được điều hành dưới dạng nhượng quyền thương mại do doanh nghiệp địa phương quản lý và sẽ trả phí bản quyền cho Emart.

Emart gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2015 và khai trương đại siêu thị đầu tiên tại TPHCM. Tuy nhiên, Emart đã không thể mở thêm được điểm bán mới, do sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc phê duyệt kế hoạch xây dựng, theo The Korea Times.

E-mart là chuỗi cửa hàng giá rẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Hàn Quốc, đã thâu tóm chuỗi kinh doanh 16 siêu thị Wallmart (Mỹ) ở Hàn Quốc vào năm 2006. Vào Việt Nam nhà bán lẻ này cũng đi theo hướng giá rẻ.

Sóng mới trên thị trường bán lẻ Việt - Ảnh 1
Emart đã quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam

Ở một sự việc khác, ngày 18/5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN) và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) gây sốt thị trường Việt Nam khi công bố quyết định bắt tay hợp tác.

Theo đó, Alibaba và Baring Private Equity Asia cùng Masan ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. Tương ứng định giá CrownX sau phát hành là gần 7,3 tỷ USD.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM), đơn vị thành viên Vingroup.

Giới chuyên gia từng đánh giá, đây là cú “reset” đẳng cấp đình đám trên thị trường bán lẻ Việt.

Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (tức xấp xỉ 2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan Group tại The CrownX là 80,2%.

Lên tiếng về cú bắt tay hợp tác với Alibaba và BPEA, đại diện The CrownX cho biết, đơn vị sẽ hợp tác với Lazada (nền tảng điện tử của Tập đoàn Alibaba tại khu vực Đông Nam Á) để thúc đẩy quá trình phát triển của công ty.

Cụ thể, trong khuôn khổ giao dịch lần này, các bên nỗ lực để The CrownX sẽ hợp tác với Lazada thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp O2O (từ offline đến online) tại Việt Nam theo xu thế toàn cầu hiện nay, nhất là sau ảnh hưởng của cú sốc Covid-19 thay đổi khá lớn thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Thông cáo về thỏa thuận hợp tác nêu rõ, giao dịch này (giữa Masan, Alibaba và BPEA) củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho ngành bán lẻ. Trong năm 2020, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt và vững vàng.

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong tổng mức hơn 5 triệu tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng (chiếm 79% và tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển, song cạnh tranh cũng rất khốc liệt.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trong nhiều năm qua cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về thị phần, thương hiệu thông qua các thương vụ chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập. Bên cạnh đó, thói quen mua sẵm s của người tiêu dùng cũng thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh, họ dần chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Điều này đã khiến thương mại điện tử sống khỏe và hứa hẹn nhiều triển vọng hơn nữa trong năm 2021.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), chỉ tính riêng mảng bán lẻ trực tuyến trong năm 2020 đã đạt tổng doanh thu gần 12 tỷ USD (tăng trưởng 18%), ước đạt chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

 

An Nhiên

Theo Đất Việt