SSI: ‘TTCK đang dần tìm điểm cân bằng, hình thành rõ nét hơn cơ hội đầu tư dài hạn’

Thị trường chứng khoán (TTCK) thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, khi nền kinh tế đang dần chạm đáy khó khăn, SSI cho rằng TTCK đang dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn.

Mùa báo cáo quý I/2023 đã gần như đã đi qua, tăng trưởng lợi nhuận chung trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) được công bố giảm 18% và giảm 32% so với cùng kỳ nếu không tính đóng góp của nhóm ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến này không nằm ngoài dự đoán khi lợi nhuận đi xuống mạnh ở các nhóm thực phẩm đồ uống, xây dựng và vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản, hóa chất, bán lẻ, dịch vụ tài chính ngoài việc do cơ sở so sánh cao trong cùng kỳ còn phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh kinh tế có những thách thức và mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.

Nhìn chung, SSI cho rằng lợi nhuận đi xuống phù hợp với dự đoán của công ty chứng khoán này và không có yếu tố bất ngờ nên việc điều chỉnh của thị trường diễn ra trong tháng 4 không quá mạnh.

Về dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán, dòng vốn ETF đã có dấu hiệu đảo chiều trong tháng 4. Theo đó, dòng vốn ETF đảo chiều rút ròng 757 tỷ đồng trong tháng 4. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng dòng vốn ETF đạt 5,26 nghìn tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ Fubon (tăng 1,65 nghìn tỷ đồng), Vaneck (tăng 1,62 nghìn tỷ) và DB FTSE (tăng 1,35 nghìn tỷ).

Đối với các quỹ chủ động, tốc độ giải ngân thu hẹp chỉ còn 39 tỷ đồng trong tháng 4 (so với mức 201,8 tỷ trong tháng 3). Tính chung trong 4 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã vào ròng 3,6 nghìn tỷ đồng, tập trung vào 2 tháng đầu năm.

Khối ngoại bán ròng 1.466 tỷ đồng trong tháng 4, hoặc bán ròng 2.827 tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch đột biến từ IDP (Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế, HNX: IDP). Tỷ trọng giao dịch khối ngoại giảm mạnh trong tháng 4, chỉ chiếm 7,7% tổng giá trị giao dịch trên thị trường, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.

Tính chung trong 4 tháng, khối ngoại duy trì mua ròng 5.496 tỷ đồng (7.556 tỷ nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến). Như vậy, xu hướng dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán yếu dần trong tháng 4. SSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với dòng vốn vào các quỹ ETF và chủ động trong thời gian tới.

Theo SSI, điểm sáng trong thời gian tới là kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần nào những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và những nỗ lực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Những điểm sáng này là yếu tố quan trọng kích hoạt sự tham gia trở lại của nhóm nhà đầu tư cá nhân trên thị trường và giảm bớt áp lực bán ròng từ khối ngoại trong tháng 4.

Xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ, do vậy dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng.

Trong thời gian tới, SSI cho rằng áp lực rút ròng vẫn có thể vẫn còn, tuy nhiên bất kì điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều vào ròng trở lại trên thị trường.

“Do thị trường chứng khoán thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, khi nền kinh tế đang dần chạm đáy khó khăn, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán đang dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn”, báo cáo của SSI nêu rõ.

Theo góc nhìn kỹ thuật, SSI cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục dao động rung lắc trong biên độ từ cận trên 1.060-1.070 điểm đến cận dưới 1.017- 1.020 điểm. Trong quá trình đi ngang của thị trường ở chu kỳ tháng 5, sẽ có những nhịp rung lắc mạnh và đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng biên dưới 1020 điểm.

Đồng thời, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng danh mục những cổ phiếu tốt, có nền tích lũy chắc chắn trên vùng hỗ trợ của chính cổ phiếu đó hoặc áp lực giảm nhẹ hơn so với thị trường.

Hải Đường

Theo VietnamFinance